Những kết quả đó đã đưa công tác tư pháp ngày càng thấm sâu hơn vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ghi nhận.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu cần quán triệt sâu sắc các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại hội nghị, liên hệ chặt chẽ với công tác của bộ, ngành, địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp, mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong năm 2016 và nhiệm kỳ 2016-2020.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và giải pháp thực hiện. Theo đó, có ba nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, đổi mới tổ chức bộ máy và tiếp tục kiện toàn nhân lực ngành tư pháp phù hợp với Chiến lược phát triển ngành đến năm 2035 và Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật, có sự phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, phấn đấu đến năm 2020 khắc phục cơ bản mâu thuẫn giữa việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ với số lượng, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và pháp luật, chuẩn bị và thực hiện tốt việc chuyển giao, bổ sung cán bộ lãnh đạo của Bộ, Sở Tư pháp, Pháp chế bộ, ngành sau Đại hội Đảng XII và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, đảm bảo tính ổn định, liên tục trong tổ chức và công việc.
Hai là, xác định năm 2016 là năm đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với cải tiến chế độ báo cáo, thống kê, phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự; đảm bảo hết năm 2016, 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, tiến tới thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến hoặc qua đường bưu điện (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) trong các lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, quốc tịch theo tinh thần, nội dung Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Ba là, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính toàn ngành, phát huy hiệu quả các công cụ kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua, khen thưởng, bảo đảm nghiêm túc, kịp thời.
Chỉ rõ những việc cần làm sau hội nghị, Bộ trưởng cũng bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, toàn ngành sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa công tác tư pháp của đất nước lên tầm cao mới”.