Công tác tư pháp: Đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước

(PLO) - Hôm nay (8/1), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2016 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu để đánh giá kết quả thực hiện công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trao giải cho các cá nhân đạt giải Nhất
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trao giải cho các cá nhân đạt giải Nhất
Đây cũng là dịp để ngành tư pháp thảo luận về định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016 theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. 
Năm  2015, trong điều kiện chung của đất nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành sát sao, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, với những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.
Toàn ngành đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào văn kiện trình đại hội Đảng các cấp; đã tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Hiến pháp 2013; tổ chức thành công Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp, thu hút sự tham gia rộng rãi của cán bộ, công chức và Nhân dân. 
Công tác xây dựng pháp luật nói chung, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng có chuyển biến tích cực, nhiều bộ luật, luật quan trọng đã được trình Quốc hội thông qua, được dư luận đánh giá cao, nhất là đối với các đạo luật lớn như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); kết quả thi hành án dân sự (THADS) đạt cao hơn so với năm trước. 
Cũng trong năm 2015, thành công trong việc thí điểm chế định Thừa phát lại đã được Quốc hội ghi nhận và cho triển khai chính thức. Công tác hành chính tư pháp tiếp tục đạt kết quả tích cực, đã giải quyết một lượng lớn yêu cầu của người dân, chưa để xảy ra sai sót, bức xúc lớn. 
Công tác lý lịch tư pháp từng bước khắc phục được tình trạng chậm cấp phiếu thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; việc phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa công chứng tiếp tục được đẩy mạnh, việc phát triển các nghề tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực với sự ra đời của đội ngũ quản tài viên. Việc tham gia với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục đạt một số kết quả quan trọng. 
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật được tăng cường. Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL được vận hành chính thức, phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Bộ, ngành tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. 
Toàn ngành cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành và Đại hội Thi đua yêu nước ngành tư pháp lần thứ IV, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, vun đắp tình yêu ngành, yêu nghề của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. 
Cùng với những nỗ lực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, toàn ngành tư pháp đã có sự trưởng thành, gắn bó hơn với nhiệm vụ chung của đất nước, phối kết hợp tốt hơn, chủ động hơn với các bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương. Vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước vì thế mà tiếp tục được khẳng định rõ nét hơn; vị thế ngành từ Trung ương đến địa phương được củng cố và tăng cường vượt bậc. 
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 27 dự án. Trong đó có các luật, bộ luật rất quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi)... Các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.003 văn bản. Riêng Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản; hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%. 
Năm 2015, ước tính toàn ngành đã thẩm định 9.529 văn bản (tăng 230 văn bản so với năm 2014; giảm 655 văn bản so với năm 2012). Nhìn chung các ý kiến thẩm định dự thảo VBQPPL đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trước khi hoàn chỉnh và là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận, kiểm tra theo thẩm quyền 42.357 văn bản. Qua kết quả kiểm tra 10 tháng đầu năm, phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, đã xử lý xong 442 văn bản. 

Đọc thêm