Tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua nhiều dự án luật và tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, như: các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình những tháng đầu năm 2023; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
|
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri |
Các cử tri của huyện Phù Mỹ đã gửi nhiều kiến nghị tới đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định liên quan đến chế độ cho người có công và thương bệnh binh; những vướng mắc trong việc áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; hỗ trợ xây dựng phòng học kiên cố trên địa bàn cũng như sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước công trình thủy lợi; gỡ khó cho các dự án cấp thiết của người dân trên địa bàn; vấn nạn quảng cáo thực phẩm bẩn trên mạng xã hội…
Thông tin đến cử tri huyện Phù Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022 nước ta về cơ bản đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế- xã hội: Kinh tế tăng trưởng đạt 8,02%; CPI được kiểm soát tốt, tăng 3,15% thấp hơn mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (28,6%) so với dự toán. "Nhờ đó đã có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, cho an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ quan trọng khác”, Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách tài khóa nhằm góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, trong hơn 3 năm qua, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 507 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 352 nghìn tỷ đồng; còn số tiền được miễn, giảm khoảng 155 nghìn tỷ đồng…
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 35 nghìn tỷ đồng; đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí và áp dụng cho giai đoạn từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng....
Riêng Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách tài chính, liên tục rà soát các chính sách để kịp thời tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, trong đó, tập trung vào các giải pháp về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí; triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, do đó, mong các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp có mạnh thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó góp phần tăng thu về cho NSNN”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Với các kiến nghị của cử tri có liên quan đến lĩnh vực của các bộ, ngành khác, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp kiến nghị để gửi đến các cấp, các ngành, giải quyết các kiến nghị của cử tri.