Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số ở Bình Định

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định ngày 5/5 tổ chức Hội nghị chuyển đổi số năm 2023 nhằm triển khai những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2023.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số ở Bình Định

Theo Báo cáo tại Hội nghị, tính đến năm 2021, chỉ số chuyển đổi số chung của tỉnh Bình Định đứng thứ 34/63 tỉnh thành của cả nước. Quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử.

Tỉnh Bình Định đã và đang xây dựng được 13 cơ sở chuyên ngành phục vụ chuyển đổi. Đồng thời, hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã cơ bản ổn định, riêng một số địa phương có mạng mạng máy tính nội bộ theo địa bàn ở mức trung bình như: Thành phố Quy Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Đối với số hóa dữ liệu lĩnh vực đất đai, tỉnh Bình Định còn 5 huyện chưa thực hiện.

Quang cảnh Hội nghị triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Định năm 2023

Quang cảnh Hội nghị triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Định năm 2023

Trong năm 2023, tỉnh Bình Định đưa ra nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể như: Ưu tiên triển khai nền tảng số trên diện rộng; tập trung các lĩnh vực ưu tiên; dữ liệu là yếu tố cốt lõi “đúng, đủ, sạch, sống”; ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin; duy trì các hệ thống có sẵn, tận dụng dữ liệu”.

Tại hội nghị này, nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định cho rằng, các xã miền núi còn gặp khó khăn đầu tư hạ tầng thông tin để chuyển đổi số. Nhiều địa phương đã có tiền nhưng chưa dám triển khai vì chưa có hướng dẫn rõ ràng về chuyển đổi số.

Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, để chuyển đổi số thành công, các Sở, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Thời gian tới, các địa phương cần sớm đầu tư hạ tầng, quan tâm hạ tầng cấp huyện, cấp xã khi chuyển đổi số.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định. Ảnh: Trang lê

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định. Ảnh: Trang lê

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyển đổi số Bình Định năm 2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thẳng thắn chỉ ra nhiều dịch vụ chuyển đổi số của tỉnh chưa ổn. Cụ thể, khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, người dân vẫn còn làm trực tiếp. Ngoài ra, tỉnh Bình Định đang thiếu dịch vụ kết nối, cập nhật, điều hành.

Qua đây, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị các Sở, ngành địa phương cần sớm xây dựng kho dữ liệu trong chuyển đổi số trên địa bàn. Đặc biệt, người đứng đầu và "người lãnh đạo" phải nắm được nội dung triển khai; sử dụng, ứng dụng hệ thống; buộc nhân viên cấp dưới phải sử dụng cũng như quyết định, bố trí kinh phí thực hiện chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trang Lê

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trang Lê

Riêng Sở Thông tin và truyền thông tỉnh phải có trách nhiệm trong việc tăng cường nhận thức về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ và người dân trong đó tập trung triển khai Tổ thanh niên công nghệ số cộng đồng và các doanh nghiệp chủ lực; lên kế hoạch đào tạo công dân số và chính quyền số cho tỉnh, đồng thời, định hướng toàn tỉnh cùng các doanh nghiệp vào cuộc để trong tháng 5/2023 sẽ hoàn thiện toàn bộ hạ tầng số như đường truyền, trang thiết bị, mạng... theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

“Tiếp tục thực hiện những nội dung mà định hướng của Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta theo kịp yêu cầu và có thể đi trước được. Kho dữ liệu số của tỉnh thì đề nghị sớm triển khai sớm. Dữ liệu chúng ta có rồi, rà soát lại và yêu cầu làm đồng bộ, làm đủ 100% ở các địa phương. Đặc biệt là trong công tác cập nhập dữ liệu, cập nhật phải thường xuyên để đảm bảo đúng nguyên tắc thì mới có kết quả”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Đọc thêm