Vụ khám xe phóng viên Báo PLVN: Không ai có quyền tuỳ tiện khám xe của người khác, đứng trên pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Vấn đề này liên quan đến quyền con người và quyền công dân, rất nghiêm trọng chứ không đơn giản chỉ là một hành vi thông thường. Nếu chúng ta dung túng hành vi này thì “cái sảy nảy cái ung” và trở thành một trào lưu, sẽ có tiền lệ cho sau này”, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng; Đại biểu Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến (Từ trái qua phải).
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng; Đại biểu Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến (Từ trái qua phải).

Không chỉ khám xe” còn “giữ người, giữ xe”

Nêu quan điểm về sự việc phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam bị khám xe tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, khẳng định, hành vi khám xe của bảo vệ là vi phạm pháp luật, bởi bảo vệ không đủ thẩm quyền khám xe của công dân. Đại biểu Hòa cho biết, chỉ những người được pháp luật trao quyền mới được thực hiện việc khám xét xe, hay nhà của công dân.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phải lưu ý từ “khám”, bởi “khám” là 1 hành động dựa trên cơ sở của pháp luật. Việc lãnh đạo bệnh viện đưa ra quy định hoặc yêu cầu khám xe là không đúng, là vi phạm pháp luật bởi anh không có quyền khám xe. “Người ta có thể cho anh nhìn thì được, hoàn toàn không có quyền kiểm tra hay khám xét. Ai cho phép anh được kiểm tra? Căn cứ vào đâu? Đây là tài sản hợp pháp của cá nhân tôi, không có căn cứ nào cho anh được kiểm tra, để được khám”, ông Nhưỡng nói.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh: “Vấn đề này liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến chức trách theo quy định của pháp luật. Chứ không thể ai cũng có quyền tuỳ tiện khám xe của người khác”.

Ông Nhưỡng cho rằng, việc bảo vệ bệnh viện khám xe thậm chí giữ xe trong bệnh viện trong khoảng thời gian gần hai tiếng đồng hồ, có nghĩa không chỉ khám xe mà vấn đề quan trọng là giữ người, giữ xe, không cho người ta vận hành ra khỏi bệnh viện. “Ở đây không có tạm giam, tạm giữ nhưng rõ ràng đã có hành vi xâm phạm tự do cá nhân. Người phóng viên không được quyền rời khỏi các khu vực do bệnh viện quản lý nên có thể nói rằng bệnh viện, và bảo vệ rất tùy tiện và có thể cho rằng, sự việc trên đã “đứng” trên cả các quy định của pháp luật”, ông Nhưỡng nói và đồng thời cho biết, ông cảm thấy đáng tiếc cho một đồng chí Thiếu tá công an, Phó trưởng Công an xã, một sĩ quan cấp tá khi đã được trình báo về sự việc lại “vào hùa”, áp dụng không đúng các biện pháp nghiệp vụ, là chứng tỏ sự yếu kém về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, kể cả về ý thức tuân thủ pháp luật.

“Về vấn đề này thì công an huyện, công an tỉnh cần phải xem xét về tinh thần, thái độ và phương pháp làm việc của đồng chí sĩ quan công an đó”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm "khám xe" phóng viên trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt tại Bệnh viện. Ảnh Mỵ ChâuBảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm "khám xe" phóng viên trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt tại Bệnh viện. Ảnh Mỵ Châu

UBND tỉnh, Công an tỉnh cần vào cuộc làm rõ việc

Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến cho rằng, ngay sau sự việc xảy ra việc Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam lập tức ký và gửi công văn gửi UBND tỉnh Hưng Yên, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên là rất đúng và rất kịp thời. “Bây giờ đã có văn bản của Hội nhà báo nên Công an, UBND tỉnh phải vào cuộc để xử lý. Tôi ủng hộ”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, việc giữ người, giữ xe, khám xe của nhà báo khi đang đi tác nghiệp là sai cả về thẩm quyền, thủ tục, quy định, không một cá nhân, tổ chức nào được cản trở nhà báo đang tác nghiệp. Nếu trong quy định của pháp luật, khi bắt quả tang vi phạm pháp luật như trộm cướp tài sản thì cơ quan chức năng có thẩm quyền mới được khám xét, chứ không phải ai cũng được khám xét.

“Cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh, Công an tỉnh vào cuộc làm rõ việc này và bệnh viện phải có văn bản trả lời và xin lỗi phóng viên cũng như báo Pháp luật Việt Nam”, ông Tiến nhấn mạnh.

Còn Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu mà tất cả các nhà báo đi việc gặp phải tình huống thế này thì một mặt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch làm việc, đặc biệt có thể chịu rủi ro rất lớn. Bởi trên thực tế đã có trường hợp khám xe không đúng quy định pháp luật, người khám xe tùy tiện đã lấy đồ trên xe hoặc cướp tài liệu quan trọng. Thậm chí có trường hợp đưa những chất độc, chất cấm vào trong xe để vu oan, giá họa cho người đi xe.

Theo ông Nhưỡng, việc khám xe không những ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc, đi lại, mà việc khám xe còn ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của phóng viên, nhà báo. Bởi việc kiểm tra, khám xét xe tại nơi công cộng có sự chứng kiến của nhiều người, khiến họ hình dung là nhà báo đi đến bệnh viện có thể ngày hôm nay không ăn trộm nhưng biết đâu đi tác nghiệp lần khác lại trộm cắp.

Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, vấn đề này liên quan đến quyền con người và quyền công dân, rất nghiêm trọng chứ không đơn giản chỉ là một cái hành vi thông thường. Nếu chúng ta dung túng hành vi này thì “cái sảy nảy cái ung” và trở thành một trào lưu, sẽ có tiền lệ cho sau này.

“Theo quan điểm của tôi cơ quan chức năng cần có một sự quyết liệt hơn nữa, Hội Nhà báo có quyền đề nghị với Mặt trận Tổ quốc giám sát, đồng thời đề nghị với lại các cơ quan dân cử và các lực lượng khác tiếp tục giám sát một cách rộng rãi hơn đối với vấn đề này”, ông Nhưỡng nhấn mạnh./.

Ngày 13/4, phóng viên Đỗ Thị Mỵ Châu, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng một đồng nghiệp công tác tại Báo Công lý đến bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm, Tập đoàn Y học Phúc Lâm (thuộc địa bàn xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) để liên hệ làm việc theo Giấy giới thiệu của Báo Pháp luật Việt Nam cấp. Nhân viên Phòng Hành chính đã tiếp nhận Giấy giới thiệu của phóng viên và cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo đơn vị để sắp xếp lịch làm việc và liên hệ lại với phóng viên sau.

Nhưng khi đi xe ô tô chở nhóm phóng viên ra cổng bệnh viện thì bảo vệ của bệnh viện đã không cho xe ô tô đi ra ngoài và yêu cầu được kiểm tra xe phóng viên với lý do “Bệnh viện đang mất một máy và cấp trên đã có lệnh yêu cầu kiểm tra những xe đi ra khỏi bệnh viện”.

Phóng viên đã liên hệ với đồng chí Chu Đức Lễ - Phó Trưởng Công an xã Long Hưng đề nghị xử lý vụ việc và giải quyết để phóng viên được ra ngoài. Nhưng khi lực lượng công an xã đến hiện trường đã không lập biên bản, không yêu cầu phía Bệnh viện đa khoa Phúc Lâm chấm dứt hành vi giữ người, giữ xe trái luật mà còn đề nghị phóng viên phối hợp cho lực lượng bảo vệ khám xét xe.

Việc khám xét không thu giữ được đồ vật nào của bệnh viện nên phóng viên được ra về. Phóng viên yêu cầu lập biên bản nhưng bảo vệ Bệnh viện kiên quyết không thực hiện.

Đọc thêm