Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Người mới nắm “tay hòm chìa khóa” có gì mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho rằng, Tài chính là một Bộ lớn, đa ngành, với nhiều lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ với PLVN những khâu đột phá, mong muốn tạo ra nét mới trên nền những nhiệm vụ không mới của một ngành vốn chủ việc “tay hòm chìa khóa” ngân khố quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, ông Phớc đã chủ trì một cuộc làm việc với các đơn vị phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ quản lý thu ngân sách như Thuế và Hải quan,… bởi theo tân Bộ trưởng, cân đối ngân sách là nhiệm vụ tối quan trọng, với yêu cầu không chỉ hoàn thành dự toán thu mà đồng thời phải đảm bảo tiết kiệm chi trong quản lý, điều hành.

Kỷ luật tài chính - việc không thể “lơi tay”

Thưa Bộ trưởng, ông từng có một nhiệm kỳ đứng đầu ngành Kiểm toán, với nhiều thực tiễn liên quan lĩnh vực kinh tế - tài chính vĩ mô. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công việc mới của ông ở ngành Tài chính?

- Tôi đã được đào tạo chính quy chuyên ngành Tài chính tại Học viện Tài chính, từng trãi qua thực tiễn quản lý tài chính kế toán doanh nghiệp, và cũng từng quản lý, điều hành ngân sách nhà nước khi còn công tác ở địa phương. Đặc biệt, còn có một nhiệm kỳ ở cương vị Tổng kiểm toán nhà nước, với nhiệm vụ kiểm tra tài chính, tài sản công...

Những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn quý báu đó giúp tôi trong quá trình lãnh đạo, điều hành ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ khác trên cương vị mới.

Tuy nhiên, Tài chính là Bộ đa ngành, ngoài nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản công, còn nhiều nhiệm vụ khác như quản lý về giá, dự trữ quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thuế, bảo hiểm, quản lý nợ công… đòi hỏi tôi phải không ngừng học hỏi, nỗ lực lãnh đạo ngành để đạt được những kết quả cao nhất trong nhiệm kỳ.    

Chúng tôi quan sát, sau khi nhậm chức ở Bộ Tài chính, Bộ trưởng đã đề cập ngay tới nhiệm vụ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh “giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách”. Cách nào để có được những nét mới từ một nhiệm vụ không hẳn là mới của ngành Tài chính, thưa Bộ trưởng?

- Trong quản lý, điều hành ngân sách việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính là việc làm thường xuyên, liên tục. Có như thế việc sử dụng nguồn lực của nhà nước mới hiệu quả, mới có lợi cho đất nước.

 “Qua dữ liệu mà thấy có rủi ro thì tổ chức thanh tra ngay. Nhưng “ông” thanh tra rồi mà kiểm soát nội bộ vào làm lại, phát hiện “ông” sót, lọt thuế, tức là vi phạm thì “ông” sẽ chịu kỷ luật", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Để làm tốt điều này cần quan tâm 3 vấn đề cốt lõi. Đầu tiên, con người phải liêm chính, tận tụy, trách nhiệm và chuyên nghiệp. Thứ hai, quy trình thủ tục hành chính phải thông thoáng, phải phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, cho người nộp thuế, cho đơn vị thụ hưởng ngân sách. Thứ ba, phải ứng dụng triệt để công nghệ cao trong hoạt động nghiệp vụ.

Tôi ví dụ, ở ngành Kho bạc bây giờ có tới 99% hồ sơ được tiếp nhận, xử lý, thanh toán qua phương thức điện tử; chỉ 1% là tiếp xúc người với người. Kho bạc đang hướng tới các thủ tục đều qua mạng, không tiền mặt trong sử dụng ngân sách.  

Các ngành Thuế, Hải quan cũng nỗ lực như thế. Kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế cũng phải sử dụng tối đa sự hỗ trợ của thông tin điện tử. Từ bây giờ đến 1/7/2022, chúng tôi hoàn thiện hệ thống để 100% cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, và dùng trí tuệ nhân tạo kiểm soát hóa đơn điện tử.

Tóm lại, kỷ luật, kỷ cương tài chính không thể trông chờ vào sự tự giác mà phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm khi phát hiện.

Ông Hồ Đức Phớc chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Tài chính từ ngày 13/4/2021
Ông Hồ Đức Phớc chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Tài chính từ ngày 13/4/2021 

Kiểm tra chéo để “truy vết” hành vi công vụ

Tăng thu, chống thất thu ngân sách là một vế quan trọng của “kỷ luật tài chính - ngân sách”, với yêu cầu các lực lượng như Thuế, Hải quan… phải kiên quyết, không“lơi tay” khi thi hành công vụ, trong khi Bộ trưởng cũng mong muốn đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp. Xử lý đúng luật và hài hòa hai nhiệm vụ này chắc không phải điều đơn giản, thưa Bộ trưởng?

- Như tôi đã nói, để thuận lợi thì phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý thuế. Người dân, doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp không phải đến cơ quan thuế. Hoàn thuế cũng vậy để giảm tiếp xúc giữa cán bộ thuế với người dân và doanh nghiệp, như thế chắc chắn giảm phát sinh chuyện này, chuyện nọ.

Chúng tôi quan tâm việc xây dựng nhật ký điện tử nhằm ghi dấu những nội dung mà cán bộ Thuế, Hải quan đã làm với người dân, doanh nghiệp. Để sau, khi các cơ quan khác kiểm tra, có thể nắm được cán bộ đó có để sót, lọt  việc khi thực thi công vụ. Thanh tra thuế, kiểm soát nội bộ, thanh tra tài chính là để giám sát lẫn nhau, không để một cơ quan nào có thể lộng hành.

Tôi ví dụ, qua dữ liệu mà thấy có rủi ro thì tổ chức thanh tra ngay. Nhưng “ông” thanh tra rồi mà kiểm soát nội bộ vào làm lại, phát hiện “ông” sót, lọt thuế…, tức là có vi phạm thì “ông” sẽ chịu kỷ luật.  

Hải quan, giờ người ta đang tính từng phút, từng giây để đảm bảo thông quan tốt, xuất - nhập khẩu thuận lợi. Vì thế, ngành này cũng như Thuế, tức phải có kiểm soát nội bộ, kiểm tra từ bên ngoài và phải áp dụng công nghệ thông tin để ràng buộc, kiểm tra hành vi lực lượng thi hành công vụ.  

Tôi cũng vừa mới làm việc với 2 ngành này và chỉ đạo phải bám sát dự toán để đảm bảo thu, cân đối ngân sách. Tuy nhiên, Thuế và Hải cũng cần quan tâm, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, cách tốt nhất thể hiện sự quan tâm, phục vụ doanh nghiệp là tạo điều kiện để hàng hóa thông quan nhanh nhất, doanh nghiệp có thể nộp thuế thuận lợi nhất; đồng thời phải tăng cường tư vấn thuế.

“Chúng tôi xây dựng dữ liệu để liên thông với cơ quan quản lý đất đai, cở sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ quan cấp chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, Văn phòng công chứng… để phát hiện giao dịch bất thường, tránh thất thu thuế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc 

Mặt khác, chúng tôi đã yêu cầu cần tập trung vào các lĩnh vực được coi là “thất thu tiềm năng” như sàn giao dịch điện tử, Facebook, Grab, google, bất động sản, tài nguyên khoáng sản. Việc đó nếu làm triệt để sẽ tạo ra sự công bằng, là điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng thu ngân sách. 

Những năm qua, thu ngân sách luôn đạt hoặc vượt dự toán, nhưng thực tế nhu cầu chi cũng không nhỏ, khiến vấn đề bội chi luôn được đặt ra. Thưa Bộ trưởng, ngành Tài chính sẽ điều hành như thế nào để vừa đảm bảo an toàn ngân quỹ nhà nước nhưng vẫn đủ nguồn, đáp ứng nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội…?

- Ngành Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ quản lý điều hành ngân sách đảm bảo bội chi ngân sách trong giới hạn mà Quốc hội quy định (không vượt quá 4%).

Để hoàn thành nhiệm vụ này phải vừa tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển và phải tăng thu ngân sách.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ đang giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ quay vòng vốn. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là tăng thu đối với các khoản tiềm năng chứ không tăng thuế suất; đồng thời không để sót đối tượng thu.  

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay là làm sao để hàng hóa thông quan nhanh, nộp thuế thuận lợi nhất
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay là làm sao để hàng hóa thông quan nhanh, nộp thuế thuận lợi nhất  

Hoàn thiện pháp luật là “làm đường” cho phát triển

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, góp phần lành mạnh tài chính quốc gia, công tác chỉ đạo điều hành phải sát thực tế và phải phản ứng kịp thời về mặt chính sách. Xin Bộ trưởng cho biết, công tác xây dựng văn bản pháp quy ngành Tài chính, tới đây có những trọng tâm nào?

- Cách đây không lâu, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 52 về giãn thuế cho doanh nghiệp đến ngày 31/12/2021 nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất.

Bộ cũng đang tập trung sửa Nghị định để thay thế Nghị định 167 về sắp xếp lại nhà đất. Đây là nút thắt đối với việc quản lý nhà, đất của các công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần không có vốn nhà nước. Nếu Nghị định này ban hành sẽ giải phóng được nguồn lực, tập trung cho phát triển.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đang dự thảo để ban hành Nghị định thay thế Nghị định 16 về cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập như hệ thống bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa… Văn bản này là nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo sự tự chủ tài chính của các đơn vị, qua đó giảm gánh nặng và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp.  

Hiện, chúng tôi cũng tập trung xây dựng Đề án để báo cáo Bộ Chính trị về phân cấp ngân sách, đảm bảo sự chủ đạo ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương…

Quan điểm của tôi, hoàn thiện pháp luật chính là tháo gỡ những khó khăn và mở đường cho phát triển.  

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm