Trả lời những chất vấn liên quan đến du lịch nước nhà, hôm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Tuấn Anh thể hiện cái nhìn khá lạc quan.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trả lởi chất vấn của các ĐBQH. |
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, mức góp GDP của ngành du lịch đang gia tăng. Năm 1995, chỉ số này chỉ là hơn 3% và năm 2012 gần 6%, giải quyết việc làm cho 1,4 triệu người. Du lịch Việt Nam mới phát triển từ năm 1990 với 100.000 lượt khách quốc tế và 1 triệu lượt khách nội địa. Song năm 2012 đã có 6,8 triệu lượt khách quốc tế, chi tiêu và thời gian lưu trú của khách tăng hơn.
Trước yêu cầu của ĐBQH so sánh sự phát triển du lịch Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Singapore, trong khi, tiềm năng du lịch Việt Nam lớn hơn các nước này rất nhiều, với 9 di sản được thế giới công nhận, Bộ trưởng nói, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu thu hút 10 triệu lượt khách, đạt doanh thu 18 - 20 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, cần tuyên truyền để người dân không chèo kéo khách, cần có sản phẩm đặc trưng, tạo sức hấp dẫn lớn hơn cho du lịch Việt Nam...
Phân tính cơ sở hỗ trợ du lịch phát triển, Bộ trưởng cho biết các nước Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Myamar... đã có cảnh sát du lịch. “Việt Nam chưa có lực lượng này thì cần huy động cảnh sát trật tự hỗ trợ bảo vệ du khách, các vùng trọng điểm cần lắp camera và có đường dây nóng”, ông Hoàng Tuấn Anh đề nghị.
Cũng theo Bộ trưởng VHTT&DL, Bộ đã trao đổi với Bộ Công an nhưng đây là vấn đề lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong lúc chưa có lực lượng này, ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của lực lượng cảnh sát trật tự để tạo môi trường du lịch tốt hơn.
"Tiềm năng du lịch rất lớn, song biến thành hiện thực thì phải phấn đấu nhiều, cần chung tay góp sức của người dân, địa phương", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định.
Bộ trưởng VHTT&DL thừa nhận vẫn còn hiện tượng "chặt chém", chèo kéo, gây ảnh hưởng xấu tới du khách. Nguyên nhân chưa thể chữa khỏi "căn bệnh trầm kha" này, theo Bộ trưởng, là do việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, hiện tượng này không nhiều. Người đứng đầu ngành VHTT&DL cũng hoan nghênh một số địa phương đã quyết liệt để xử lý vấn nạn trên. Chẳng hạn, tỉnh Thanh Hóa lập đường dây nóng và tổ thường trực tiếp nhận phản ánh của khách hàng để có thể xử lý ngay sự việc xảy ra. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị định tăng mức xử phạt hành chính với hành vi chặt chém, chèo kéo khách.
"Có tình trạng chặt chém, lừa gạt khách du lịch, song không phải phổ biến và đã được cấp bách xử lý. Du lịch Việt Nam vẫn có hình ảnh tốt với du khách", Bộ trưởng khẳng định.
Về vấn đề quốc hoa, Bộ trưởng cho biết có một vấn đề bất cập là Hiến pháp không công nhận cấp thẩm quyền nào phê duyệt Quốc hoa nên Thủ tướng giao cho Bộ phối hợp các đài báo tuyên truyền, tôn vinh trong nhân dân.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, chống lai căng. Ông Hoàng Tuấn Anh thông tin một số giải pháp cần thiết xây dựng nền văn hóa tiến tiến, nâng cao đạo đức văn hóa xã hội, nâng cao quản lý nhà nước với lễ hội...
Nhật Thanh