Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Thay đổi cách tiếp cận chúng ta sẽ thay đổi một quá trình…'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm 2022, vượt qua rất nhiều biến động của thị trường thế giới, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đã cán đích ngoạn mục. Không đề cập đến những con số cụ thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan hào hứng chia sẻ về những điều “không thể hiện được qua những con số”. Ông quả quyết, chỉ cần thay đổi cách tiếp cận chúng ta sẽ thay đổi một quá trình…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Nông nghiệp không chỉ để giải quyết vấn đề tăng trưởng…

Chia sẻ với báo chí trước thềm năm mới 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn: “Mặc dù kết quả đạt được trong năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng của ngành Nông nghiệp, của doanh nghiệp (DN), của người nông dân nhưng đây là một thành quả rất đáng tự hào!”.

Đơn cử như vấn đề an ninh lương thực, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng về lương thực, sản xuất nông nghiệp, thì nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội, vừa hỗ trợ cho các quốc gia tìm kiếm sự hợp tác của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực…

“Để nói rằng, sứ mệnh của nông nghiệp không chỉ để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng mà còn mang tính chất bao trùm lên hàng chục triệu người, từ nông dân đến cư dân, lao động ở nông thôn, khu vực dịch vụ, mà nhiều khi chúng ta chỉ tiếp cận những con số về tăng trưởng sẽ không thấy vai trò đối với xã hội…” - Bộ trưởng giãi bày.

Một vấn đề “không thể hiện qua các con số” được Bộ trưởng nhắc đến là tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào suy nghĩ của người nông dân, DN…

“Nhiều diễn đàn đã tổ chức đi theo xu hướng đó để thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa. Mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và hành động của các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, các hiệp hội nông dân, thay đổi tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế của kinh tế nông nghiệp…” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Điều này thể hiện rất rõ trong năm 2022, khi Việt Nam mở cửa rất nhiều thị trường, đưa nông sản tiếp cận với các thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu. Và theo Bộ trưởng, quan trọng hơn là chúng ta đã chứng minh được rằng chất lượng của nông sản nước ta có thể đáp ứng được đủ tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất.

Cùng với đó, Bộ trưởng đánh giá cao những mô hình nông nghiệp mới như kết hợp trồng lúa nuôi tôm, du lịch nông nghiệp hay việc phát triển sản phẩm OCOP hay nhiều cách khác đều tạo ra sinh khí mới cho ngành Nông nghiệp thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.

Thay vì quan tâm nhiều vào quy mô hàng hóa lớn, chúng ta đổi sang quan tâm về quy mô nhỏ nhưng chất lượng và giá trị lớn, mang những nét đặc trưng vùng miền. Từ những nét đặc trưng đó để kể ra những câu chuyện làm du lịch nông nghiệp cho các địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng bắt đầu biết chăm chút hơn cho từng sản phẩm nông nghiệp. Như vậy thì dù sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ nhưng giá trị sẽ cao nếu tiếp tục hành động như thời gian qua…” - Bộ trưởng chia sẻ.

Thay đổi cách tiếp cận để nông nghiệp Việt Nam hướng tới chất lượng, giá trị và bền vững.

Thay đổi cách tiếp cận để nông nghiệp Việt Nam hướng tới chất lượng, giá trị và bền vững.

Không thể thay đổi quy luật nhưng có thể thay đổi tư duy

Bộ trưởng cho hay: “Được mùa, mất giá là câu chuyện muôn đời, là lời nguyền găm sâu vào ngành Nông nghiệp. Chúng ta không thể làm gì khác để thay đổi quy luật đó, điều duy nhất có thể làm là thay đổi tư duy…”.

Bộ trưởng cho biết, đầu tiên phải tổ chức lại sản xuất, đây là điều bắt buộc bởi muốn có thị trường lâu dài chúng ta buộc phải vượt qua sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong nông nghiệp, phải kết nối thành chuỗi. Trong chuỗi đó sẽ bao gồm sự hợp tác giữa người sản xuất với DN, đồng thời hình thành câu chuyện tư duy liên kết mà người nông dân là người bắt đầu.

Đề cập đến việc DN Việt Nam đã xuất khẩu được gạo chất lượng cao qua thị trường châu Âu, Nhật Bản, Bộ trưởng cho rằng đây là một minh chứng rằng chúng ta đã thoát khỏi câu chuyện cũ về tư duy sản lượng, chuyển dần sang tư duy chất lượng. Nhưng chúng ta chưa dừng lại ở đó mà hướng tới đáp ứng từng yêu cầu về từng loại sản phẩm ở các thị trường khác nhau.

“Các DN đã cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để tổ chức nhiều hội thảo, để thấy rằng mỗi thị trường đều có những đòi hỏi riêng về chất lượng sản phẩm. Chúng ta không mặc đồng phục, không đồng nhất tất cả các sản phẩm mà chúng ta tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều phân khúc ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta đang xây dựng chiến lược lâu dài liên kết với các nông dân, hợp tác xã (HTX), vùng nguyên liệu để tạo ra nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực thị trường, để thấy tư duy đường dài của DN sẽ giúp nông dân có tư duy đường dài, thoát ra khỏi lời nguyền rằng “nông dân thì tư duy mùa vụ, còn DN thì tư duy thương vụ” - Bộ trưởng hào hứng.

Mừng vì năm vừa qua một loạt nông sản được xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng lo lắng vì bà con vẫn sản xuất theo kiểu “đánh cược” bởi nhiều khi sản xuất mà không biết được thị trường trong 3 tháng tới sẽ có biến động ra sao. “Vậy thì không còn cách nào khác là các hộ nông dân phải hợp tác với nhau, như những không gian hội nhóm ở Đồng Tháp, nông hội ở Gia Lai, cafe khuyến nông ở An Giang hay ngôi nhà trí tuệ của Hà Tĩnh đang làm... Đây là không gian chung để các lãnh đạo, chuyên gia, DN chia sẻ, cung cấp thông tin. Khi có nhiều thông tin, bà con sẽ có những giải pháp giúp khắc phục kịp thời, giảm đi sự rủi ro trong canh tác…” - Bộ trưởng phân tích.

Khi thế giới thay đổi, chúng ta phải có kế hoạch để thích ứng

Khẳng định những gì đã đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu tích cực và rất đáng mừng, tuy nhiên Tư lệnh ngành Nông nghiệp không giấu được lo lắng khi vào những tháng cuối năm, nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nảy sinh những khó khăn và năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa do sức ép lạm phát, lãi suất ngân hàng…

Bộ trưởng lưu ý, hiện nay người tiêu dùng không chỉ tiếp nhận sản phẩm bằng giá cả, chất lượng mà còn bằng việc xem xét quy trình canh tác có ảnh hưởng đến môi trường, có gây hiệu ứng nhà kính hay không. Đây là yêu cầu với mọi lĩnh vực, từ nuôi trồng, chăn nuôi đến thuỷ sản, trong đó thẻ vàng IUU là một minh chứng khi người tiêu dùng hải sản không chỉ cần đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến việc nó được đánh bắt như thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Không chỉ thế, cafe hay hạt điều bây giờ cũng đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc trồng ở đâu, nguồn gốc đất đai như thế nào…

Theo Bộ trưởng, đó là những sức ép thay đổi. “Đứng trước sức ép đó nếu chúng ta chủ động thích ứng sẽ giảm được rủi ro hơn. Không chỉ vậy, tận dụng cơ hội sẽ còn giúp chúng ta định vị hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Những thay đổi đó, như Thủ tướng Chính phủ đã nói, thay đổi không phải vì người ta mà vì chính mình. Giống như thẻ vàng IUU, chúng ta cố gắng tháo gỡ vì nguồn lợi thuỷ sản, nguồn lợi của đại dương chúng ta, thích ứng vì mọi nội dung trong IUU đều hướng đến việc giữ gìn sự ổn định sinh thái trên đại dương” - Bộ trưởng phân tích.

Đồng thời cho rằng, những thông điệp mà Việt Nam cam kết với quốc tế phải được chuyển hoá thành các hành động. Mọi quyết tâm chính trị phải được chuyển hoá và kiểm nghiệm bằng thực tiễn.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có khả năng làm điều đó bởi trước đây chúng ta chỉ xuất khẩu thô, còn nguyên một khoảng trống mênh mông để chúng ta chế biến, bảo quản, đa dạng hoá sản phẩm. Vấn đề là DN phải dấn thân hơn nữa…” - ông nói và cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ để DN mạnh dạn thay đổi, thay vì việc chỉ mua đi, bán lại. Bởi chỉ khi nào đẩy mạnh chế biến thì giá trị thu lại mới cao hơn, đỡ rủi ro thị trường hơn.

Và không chỉ với các DN lớn, Bộ trưởng lưu ý, phải đảm bảo các DN vừa và nhỏ, HTX, hộ gia đình cũng có khả năng đa dạng hoá sản phẩm. Điều này đòi hỏi phải liên kết các ngành hàng, đồng thời tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm tại nông thôn.

“Nói như vậy là để năm 2023, chúng ta sẽ đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm. Muốn vậy thì hình thái của HTX cũng sẽ phải khác đi, du lịch nông nghiệp nông thôn cũng sẽ khác đi. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc làm, đích cuối cùng là việc làm….”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm