Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng TS. Guido Hildner, tân Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam vừa chính thức nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Đồng thời ghi nhận những hỗ trợ của Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức trong suốt hơn10 năm qua, đặc biệt là sự phối hợp tích cực và thiện chí trong việc xây dựng và thống nhất được Chương trình hợp tác giai đoạn 2019 – 2022 mà hai Bên chuẩn bị ký. Sau một quá trình tương đối dài hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng khi thấy Chương trình hợp tác lần này tập trung vào hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh việc triển khai thực thi pháp luật hiệu lực hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn tới đây. Bộ trưởng cũng khẳng định đây sẽ là dấu mốc trong lĩnh vực hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp nói riêng, giữa hai nước nói chung.
Bộ trưởng Lê Thành Long tiếp xã giao với Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức |
Cảm ơn sự đón tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức Christian Lange bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Tư pháp đã hợp tác tích cực, tiếp tục vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – CHLB Đức. Đồng thời chia sẻ 6 năm trở lại gần đây, Chính phủ CHLB Đức đã đưa nhiều giải pháp để đẩy lùi nạn tham nhũng đang là vấn đề quan trọng hàng đầu của nước này. Ngoài ra, ông Christian cũng bày tỏ sự quan tâm vào một số lĩnh vực như Luật An ninh mạng, Hiệp định thương mại tự do EVFTA; Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc hội đàm với Ngài Christian Lange, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức |
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng có buổi hội đàm với Ngài Christian Lange, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức. Đồng thời trao đổi những nội dung mới hỗ trợ Việt Nam rất thiết thực trong bối cảnh hội nhập quốc tế như: nghiên cứu hoặc tăng cường năng lực để triển khai thực thi một số điều quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đang nghiên cứu khả năng tham gia, trong đó có một số công ước quốc tế về quyền con người, về tư pháp quốc tế, luật biển quốc tế, giải quyết tranh chấp và trọng tài quốc tế trong lĩnh vực đầu tư và thương mại…