Bộ trưởng Lê Thành Long 'trả lời thẳng, đáp gọn' nhiều vấn đề 'nóng'

(PLO) - Sáng 19/3, như tin đã tin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã “đăng đàn” trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”.
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào trong các dự án luật, pháp lệnh. "Vậy qua công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đã kiên quyết với vấn đề này chưa?", Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, thực hiện chức năng thẩm định của mình, Bộ Tư pháp luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Qua rà soát một số văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có phát hiện một số văn bản không phải là văn bản chuyên ngành đã đưa quy định về tổ chức bộ máy vào (như Pháp lệnh Quản lý thị trường). 

Từ đó, Lãnh đạo Bộ quán triệt cán bộ thẩm định là phải có ý kiến với Chính phủ đối với văn bản pháp luật không chuyên ngành có đưa quy định này vào. Bộ trưởng nhận thấy vài năm gần đây không có tình trạng trên và mong Đại biểu Cương thông tin thêm nếu phát hiện những văn bản như vậy.

Theo Đại biểu Trần Văn Quý, báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra tình trạng nợ đọng văn bản giảm xuống thấp nhưng chưa chấm dứt, Bộ trưởng nêu nguyên nhân và đưa giải pháp cho tình trạng này?. Về câu hỏi của Đại biểu Quý, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình với đánh giá của Đại biểu và qua phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp thống kê đã phát sinh 12 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chậm do “nợ” các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. 

Bộ trưởng chỉ ra một số nguyên nhân như một số văn bản luật có nhiều nội dung giao chi tiết (như Luật Du lịch có 34 nội dung cần quy định chi tiết hay Luật Quản lý ngoại thương 14-15 nội dung); một số nội dung được giao chi tiết khá phức tạp (như nội dung về sử dụng xe công trong Luật Quản lý tài sản công). 

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp 22
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp 22

Bộ trưởng cho biết giải pháp là phải nghiêm túc nghiêm chỉnh thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về đánh giá tác động chính sách, xác định nội dung cần quy định chi tiết trong luật. Về phía Bộ Tư pháp, qua công tác góp ý thẩm định sẽ kiểm soát chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu để có văn bản quy định chi tiết kèm theo. 

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, Bộ trưởng cho rằng cần mạnh dạn đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian có hiệu lực để tránh không đủ thời gian vật chất chuẩn bị xây dựng văn bản quy định chi tiết. Đặc biệt, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng để đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. 

Trước ý kiến một đại biểu nhận định đồng bào dân tộc vùng cao dễ bị tổn thương, lừa gạt, dễ vi phạm pháp luật thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần làm gì để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long khái quát trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật đã có hệ thống pháp luật quy định đầy đủ. Cụ thể là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng và thông tư của các bộ, ngành. 

Cùng với hệ thống văn bản trên, Trung ương, địa phương đều cố gắng xây dựng các đề án hướng đến đối tượng đặc thù, trong đó hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn hạn chế. Trong tương lai, với vai trò cơ quan giúp quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện các trọng tâm, trọng điểm của đề án, trong đó có đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng sâu, vùng xa.

Đánh giá của các Đại biểu Quốc hội tham dự cho biết, về cơ bản, phần trả lời của Bộ trưởng Lê Thành Long đã đi thẳng vào vấn đề mà các Đại biểu đề cập. Chia sẻ áp lực thời gian phải trả lời ngắn gọn tuy nhiên, một số Đại biểu Quốc hội mong Bộ trưởng kiến nghị các giải pháp cương quyết hơn nữa.

Đọc thêm