Nỗ lực đạt mục tiêu kép
Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong khi các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đối mặt với suy thoái và tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm 2020 thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 1,81%.
“Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và xã hội, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý…”- Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Là cơ quan tham mưu chính sách, ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động, theo dõi sát sao, kịp thời cập nhật tình hình, phân tích đặc điểm, tính chất và đánh giá ảnh hưởng, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội (Kt-XH); chủ trì xây dựng Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch và tham mưu Chính phủ cần phải có ngay những giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch. Từ Chỉ thị này, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã kịp thời được ban hành, thực hiện hiệu quả trong chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2020, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ tiếp tục chủ trì, tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xây dựng Đề án và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận 77-KL/TW và trình Quốc hội ban hành một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết 122/NQ-QH14 của Quốc hội.
Để thực hiện các nhiệm vụ về kế hoạch phát triển KT-XH, Bộ đã chủ trì xây dựng: báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; dự thảo Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và ban hành các văn bản hướng dẫn Chỉ thị này.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
“Qua 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế rất khó khăn, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tích cực, nhưng cũng cho thấy các tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP Đà Nẵng. Chính phủ đã có các giải pháp để thúc đẩy phát triển KT-XH và đây là thời điểm quan trọng để các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp này. Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, hoàn thành ở mức cao của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, tạo đà cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu những giải pháp đủ mạnh cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cân nhắc chính sách hỗ trợ mới
Hội nghị của Bộ KH&ĐT diễn ra trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang tăng nhanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cái khó là chưa biết lúc nào hết dịch Covid-19. “Khi chưa có vaccine thì tình hình còn khó khăn, chưa thể mở cửa nền kinh tế, chưa biết khi nào mới kết nối lại được chuỗi sản xuất và cung ứng đã bị đứt gãy…” - Bộ trưởng lo ngại.
Bộ trưởng cho rằng bài học dịch Covid-19 quay trở lại Đà Nẵng là nhãn tiền và có thể làm tình hình kinh tế chững lại, gây thiệt hại lớn, do vậy phải luôn cảnh giác, không được chủ quan. “Điều tiên quyết là phải khống chế dịch. Càng khống chế sớm thì càng có dư địa phục hồi kinh tế, đón nhận cuộc chơi mới, cơ hội mới…” - Bộ trưởng phát biểu.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thực hiện tốt các chính sách, giải pháp điều hành, thực thi các chính sách đã ban hành. Trong đó có thể xem xét kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã ban hành, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân.
Bộ trưởng cũng cho biết có thể sẽ đề xuất các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới. “Nhưng để làm được việc đó cần xác định đối tượng thụ hưởng là ai, các ngành kinh tế nào cần tập trung, thời gian thực hiện là như thế nào, nguồn lực ra sao…” - Bộ trưởng lưu ý.
Về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, Bộ trưởng nhấn mạnh phải gắn với thực tiễn là dịch đang diễn ra phức tạp, cơ hội phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế của thế giới.
“Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ với tinh thần cao hơn, làm được một thì phải cố gắng hai. Cần phải chắt chiu cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công. Vừa khắc phục khó khăn, vừa phải chủ động hơn nữa để quyết định tương lai của đất nước, của từng địa phương…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi…