Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về cơ sở chuyển các dự án PPP giao thông sang đầu tư công

(PLVN) - Thảo luận tại tổ ngày 9/6 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng quả quyết không thể chậm trễ triển khai các dự án này hơn được nữa và nêu rõ cơ sở pháp lý, thực tế của việc chuyển đổi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận tổ ngày 9/6.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận tổ ngày 9/6.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tế thời gian qua, việc huy động nguồn lực thực hiện các dự án BOT, thay đổi diện mạo giao thông rất tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu lên mặt trái để lại nhiều hạn chế, gây nên tiêu cực, thất thoát và bức xúc trong nhân dân.

Việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa... góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng nhưng cả nước mới có 1.039km.

Bộ trưởng cho rằng, nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh như Trung Quốc.  Trung bình 3 năm qua, chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm.

Đối với việc chọn 3 dự án để chuyển đổi, theo ông Dũng có nhiều lý do, ngoài việc dự án không có nhà đầu tư quan tâm. Thứ nhất, dự án liền các dự án cửa ô, vùng trọng điểm gần TP HCM, nối với Hà Nội để khai thác ngay.

Thứ hai là dự án phải liền tuyến, không phải làm đứt đoạn – hiện đang ở Ninh Bình thì làm kéo đến Thanh Hóa, chứ không làm đoạn Hà Tĩnh.

“Lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm, Việt Nam đã làm xong. Đất nước hôm nay không còn phải thế này nữa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vì vậy, phải nhìn vấn đề từ yêu cầu phát triển đất nước và từ cốt lõi của nền kinh tế. Dự án này phải làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quả quyết, chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này.

Đối với 700km còn lại, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chuẩn bị hồ sơ, đến năm 2022 – 2023 có thể khởi công theo hình thức đầu tư công hoặc PPP thì đến năm 2025 là xong.

Về cơ sở pháp lý để chuyển từ dự án PPP sang đầu tư công, ông Dũng cho biết, chính là Nghị quyết 52 của Quốc hội khi phê duyệt các dự án này. Theo đó, có điều khoản như sau: “nếu không đấu thầu được thì sẽ xem xét cho phép chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công”.

Ông Dũng cũng giải thích thêm về phương án đấu thầu. Theo đó, lúc đầu cho đấu thầu quốc tế nhưng ta lại e ngại vấn đề quốc phòng – an ninh, nênyêu cầu chỉ đấu thầu trong nước, đấu thầu nước ngoài. 

Nếu đấu thầu nước ngoài thì sẽ rất tốt nhưng có 2 vấn đề ta không làm được là họ đòi hỏi phải có bảo lãnh Chính phủ về doanh thu, bảo đảm về chuyển đổi ngoại tệ. Bởi bảo lãnh Chính phủ liên quan đến nợ công, còn chuyển đổi ngoại tệ là phi thị trường. Đấy là lý do các nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với các công trình trong nước.

Còn đối với đấu thầu trong nước, vướng 2 vấn đề khó. Một là có tìm được các nhà đầu tư thực thụ hay không, hai là có khả năng huy động vốn hay không. 

Các dự án trước đây và hiện nay đang đấu thầu, có các nhà đầu tư tham gia thì hầu hết là các nhà thầu mà chúng ta đều biết các nhà thầu chỉ tốt về năng lực thi công, chứ năng lực huy động tài chính không hề đơn giản. Đáng chú ý, trong danh sách các nhà trúng sơ tuyển thì đều là các nhà thầu, không có nhà đầu tư.

Việc huy động vốn tín dụng khoảng 80% từ các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã trả lời chính thức bằng văn bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng phát biểu rất nhiều lần rằng từ vay ngắn hạn không thể cho vay dài hạn được, hạn mức cho vay không còn, hiện còn hơn 120 nghìn tỷ đang ở các dự án PPP đang làm mà khả năng thu hồi rất chậm, dễ chuyển sang nợ xấu.

Thế nên chủ trương của các ngân hàng, của Nhà nước thì rất khó để cho vay, từ đó việc huy động vốn là rất hạn chế.

Xuất phát từ tình hình cấp bách của nền kinh tế, kích cầu đầu tư, chuẩn bị hạ tầng tốt để hội nhập quốc tế, đón đầu các dòng dịch chuyển vốn đầu tư mới thì chúng ta càng cần nâng cấp nhanh hạ tầng, bù đắp lại ảnh hưởng của Covid-19, giúp nền kinh tế tăng tốc nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Ông Dũng khẳng định, Chính phủ đã xem xét thận trọng, đề xuất với Quốc hội để Quốc hội ủng hộ trên tinh thần làm nhanh, làm nhanh hơn nữa và cũng bám sát Nghị quyết 52 để tới đây trong trường hợp không đấu thầu được 5 đoạn còn lại thì cũng cho phép chuyển sang đầu tư công luôn, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không cần xin phép Quốc hội nhằm rút ngắn thời gian. 

Đến tháng 11 tới, chúng ta sẽ đấu thầu xong và sẽ biết chắc là có đấu được không, có cam kết của ngân hàng không, có ký được hợp đồng BOT không. 

“Nếu không được thì xin phép Quốc hội cho chuyển luôn và chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy sẽ linh hoạt hơn. Mong các đại biểu ủng hộ Chính phủ, đất nước với quyết tâm cao vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm