Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đối thoại giáo viên cả nước: Sẽ lọc bớt các cuộc thi ít ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Trong lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ, đối thoại với giáo viên cả nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đã có 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông tham dự tại 63 điểm cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cục trưởng CNGCBQLGD Vũ Minh Đức chủ trì chương trình. (Ảnh: Báo GD&TĐ)
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cục trưởng CNGCBQLGD Vũ Minh Đức chủ trì chương trình. (Ảnh: Báo GD&TĐ)

Đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải đối thoại

Phát biểu khai mạc tại chương trình "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là cuộc hội ngộ của hơn 1 triệu thành viên trong "ngôi nhà" giáo dục. Bộ trưởng rất hồi hộp vì chưa làm việc này bao giờ.

"Cá nhân tôi hồi hộp cũng có phần căng thẳng vì thực sự chưa bao giờ làm việc này. Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng thẳng, huống hồ tôi lại được trò chuyện với gần 1 triệu người nhưng tôi sẽ cố gắng. Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc gặp này vì làm sao có thể trả lời hết. Nhỡ không trả lời hết thì mọi người từ sự hồ hởi, trông chờ đón đợi sang thất vọng thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra nhưng mong muốn làm cứ phải làm, không đắn đo và tôi vẫn quyết định tổ chức buổi gặp gỡ ngày hôm nay" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải đối thoại. Không phải sự đối thoại của người sử dụng lao động với người lao động mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, vụ cục với toàn thể các nhà giáo. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.

Giáo viên mầm non làm việc 11 tiếng/ngày nhưng lương chưa tương xứng

Trong số 6.500 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục trên cả nước, có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lương giáo viên. Bên cạnh mức lương thấp, áp lực, quá tải trong công việc cũng được các giáo viên nêu rõ.

Cụ thể, theo quy định ngày làm việc 8 tiếng, nhưng giáo viên mầm non thực chất phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Buổi sáng phải đến sớm, buổi trưa ở lại trường trông trẻ, buổi chiều ở lại muộn chờ phụ huynh đón con. Tuy nhiên, chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non thấp hơn nhiều các ngành nghề khác.

Giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung có mức thu nhập thấp hơn mặt bằng xã hội so với thời gian làm việc và tính chất vất vả của công việc. Đó là lý do nhiều giáo viên bỏ nghề. Những giáo viên còn bám trụ với nghề phải làm thêm những công việc khác, dẫn tới không có thời gian đầu tư nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, có nhiều giáo viên chỉ xem nghề là "cái phao" để làm kinh tế bên ngoài, lên lớp dạy cho hết tiết. Những bộ tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp, xếp loại thi đua còn chung chung và không phân loại được những giáo viên như trên để đào thải họ ra ngoài ngành.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra. Trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành khác xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính và trình Chính phủ thông qua. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học.

Quá nhiều cuộc thi, lọc bớt các cuộc thi ít ý nghĩa

Với đề xuất của giáo viên tại TP HCM và Lạng Sơn về việc cần xem lại các cuộc thi đang quá nhiều và không phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ rà soát lại danh mục các cuộc thi, chỉ giữ lại những cuộc thi có nhiều ý nghĩa, lọc bớt các cuộc thi ít ý nghĩa, ít hiệu quả.

Hiện Bộ GD&ĐT đã có những văn bản chỉ đạo, thống nhất số lượng, danh mục các cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức trong năm học.

“Các cuộc thi do các đơn vị, tổ chức, bộ, ngành, đoàn thể khác cũng rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi cũng mong lãnh đạo các địa phương cũng như lãnh đạo các cơ sở giáo dục cân nhắc quyết định việc có tham gia hay không. Với danh mục cuộc thi do Bộ GD&ĐT ban hành thống nhất cả nước, các cơ sở giáo dục cần phải tham gia. Song, với rất nhiều các cuộc thi khác, tôi đề nghị nếu không phải là bắt buộc, các trường có quyền lựa chọn. Các địa phương cũng cần có ý kiến sao cho không chồng chéo các cuộc thi, gây khổ sở cho các giáo viên và học sinh”, Bộ trưởng nói.

Thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ không gây 'sốc'

Trả lời về phương án dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chủ trương sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

"Tuy nhiên sẽ không quá mới lạ, không gây ra bất ngờ, "sốc" với học sinh lẫn phụ huynh. Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT. Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay", ông Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Kết luận phiên trao đổi buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, thiếu sót của Bộ GD&ĐT là chưa truyền thông tốt về những đổi mới của ngành: "Lỗi của chúng ta chưa làm cho xã hội hiểu được chúng ta".

Đọc thêm