Sáng 9/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại tỉnh Đồng Nai.
Cùng tham gia chuyến kiểm tra với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có bà Nguyễn Hoà Hiệp Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Văn Vĩnh Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện một số đơn vị trực thuộc bộ Y tế và các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai.
Tại phường Tam Phước, TP Biên Hoà, Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chất vấn, kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Đồng thời, Bộ trưởng kiểm tra hiệu quả chỉ đạo của cán bộ cơ sở và hoạt động phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, cán bộ tổ dân phố, hoạt động truyền thông, hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình và hoạt động xử lý ổ dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chất vấn tại cơ sở các ổ dịch Phường Tam Phước, Biên Hoà, Đồng Nai |
Báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua, Đồng Nai thường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất 20 tỉnh thành phía Nam. Giai đoạn 2008 - 2018 trung bình mỗi năm, tại Đồng Nai có hơn 5.000 ca mắc và 5 ca tử vong do sốt xuất huyết, những năm dịch bùng phát số ca mắc trên dưới 10.000. Dịch sốt xuất huyết lưu hành quanh năm, cao điểm vào các tháng mùa mưa, đỉnh dịch thường vào tháng 8 đến tháng 9.
Những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng và xảy ra ở tất cả các huyện/thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết tăng hơn ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung, mật độ dân số cao như Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nghe Cộng tác viên tại cơ sở trình bày các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết |
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, phương án và biện pháp đối phó với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết là phải nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách trong quá trình xử lý dịch bệnh. Cần huy động tất cả các ban ngành giải quyết, sát sao với người dân trong việc diệt trừ lăng quăng trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh, chủ nhà trọ, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường dân sinh; đồng thời đề xuất một số phương pháp diệt trừ lăng quăng hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc cùng ông Trần Văn Vĩnh và bà Nguyễn Hoà Hiệp Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải thích về nguyên nhân dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ở địa bàn Đồng Nai. Trong đó, nguyên nhân chính là do địa bàn dân sinh phức tạp, công nhân nhiều vùng tập trung, ý thức chưa tốt, người dân chủ quan với bệnh tật. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cam kết lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện các chỉ thị của Bộ Y tế trong việc xử lý dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời tiếp xúc trực tiếp với người dân để phổ biến được sâu rộng hơn.
Bà Nguyễn Hoà Hiệp Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc |
Bộ trưởng cảm ơn sự quan tâm của UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai triển khai các hành động giám sát, phun thuốc diệt trừ muỗi, đẩy mạnh vãng gia, thực hiện các cam kết diệt trừ lăng quăng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, kết hợp với các phương tiện mới, hệ thống loa phường tại địa phương. Xử lý ổ dịch từ khi còn nhỏ thông qua các tổ tự quản, dân phòng. Xử phạt hành chính đối với vi phạm, yêu cầu các hộ gia đình thực hiện cam kết. Về vấn đề khám chữa bệnh, bộ trưởng yêu cầu “không thể để bệnh viện đa khoa tỉnh quá tải”. Cần lọc bệnh theo cấp độ, phân loại từ đầu để tránh lãng phí và hao tốn nguồn lực.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 11.617 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,65 lần so với cùng kỳ 2018 (3.175); tử vong 02 ca, bằng so với cùng kỳ năm 2018 (02 ca). So với cùng kỳ năm 2018, số mắc sốt xuất huyết tăng ở 10/11 địa phương, trong đó tăng cao nhất ở Cẩm Mỹ (644%), Trảng Bom (420%), Long Thành (450%), Nhơn Trạch (350%); giảm ở Định Quán (3.55%).
Tỷ lệ mắc/100.000 dân toàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2019 là 371 ca, tang 2.67 lần so với cùng kỳ 2018 (103ca). Địa phương có số mắc/100.000 dân cao nhất là Trảng Bom (553), Nhơn Trạch (501), Long Thành ( 492), Biên Hoà (430).