(PLO) - Được diễn ra vào thời điểm cận kề của kỳ thi Quốc gia, phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phạm Vũ Luận được cử tri cả nước khá quan tâm.
Chất vấn Bộ trưởng về vấn đề kỳ thi Quốc gia, ĐB Nguyễn Tiến Sinh lại đặt vấn đề cách tổ chức thi theo cụm chưa được đồng tình cao, như ở miền núi nhiều tỉnh trên 50% học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp. "Vậy chất lượng giáo dục ở đây như thế nào? Cách thi theo cụm tác động như thế nào đến lựa chọn của các cháu? Quy định thi ở địa phương chỉ được tốt nghiệp có lấy đi cơ hội của các cháu không?", ông nói.
Bộ trưởng khẳng định việc tổ chức kỳ thi quốc gia là vì học sinh. “Trước đổi mới thi thì các cháu cùng phụ huynh phải về các thành phố lớn, đi quãng đường rất xa. Bây giờ khoảng cách các cháu phải đi gần hơn vì Bộ bố trí 38 cụm. Thay đổi này không làm cho học sinh và phụ huynh khó khăn hơn”. Bộ trưởng khẳng định.
"Trước đây, khi thi xong khối A, lại thi thêm khối B nữa thì các cháu phải đi lại nhiều lần." Bộ trưởng chứng minh thêm về tính eu việt của kỳ thi Quốc gia.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch bày tỏ lo lắng: Những năm trước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, thậm chí có địa phương đến 99% do các địa phương tổ chức. Năm nay các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, làm nghiêm hơn nên có sự lo lắng là tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm.
Giải đáp băn khoăn của ĐB Thạch, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, việc chấm và coi thi đều có những quy chế. Dù các thầy cô giáo ở địa phương hay các trường ĐH, ở Trung ương đều coi thí sinh là học sinh, là con em thân yêu của mình.
Bộ trưởng cũng cho biết: “Chúng tôi đã tính đến barem chấm điểm kỹ càng. Quá trình thi cử phải nghiêm túc, vì thi cử cũng là hình thức giáo dục nhân cách cho các em. Kết quả phải là phần lớn, không nên có sự thay đổi đột ngột. Điều này đã được quán triệt ở với hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH, các giám đốc Sở”.
Cùng với vấn đề về kỳ thi quốc gia, ĐB Huỳnh Văn Tĩnh đề nghị Bộ trưởng Giáo dục cho biết việc triển khai cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên để thực hiện sách giáo khoa mới đã có những giải pháp nào?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng các nội dung như chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý rất quan trọng, đi liền với nhau trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên Bộ trưởng nhấn mạnh: Con người là yếu tố quan trọng, vì trong nhà trường thì thầy cô giáo quan trọng nhất nên phải chú trọng đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn việc sách giáo khoa sắp tới chỉ thử nghiệm những nội dung mới, lại cho chính tác giả tự thử nghiệm. Bộ trưởng Luận giải thích, theo quyết định của Quốc hội, chương trình chỉ có một, còn sách giáo khoa sẽ có nhiều bộ khác nhau. Bộ Giáo dục sẽ biên soạn một bộ và khuyến khích các tổ chức cá nhân khác cùng tham gia.
Bộ trưởng khẳng định việc biên soạn thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, không phải bỏ toàn bộ nội dung cũ mà kế thừa tinh hoa, bổ sung nội dung thiếu, loại bỏ những cái quá tải. Những nội dung cũ mà tốt thì cứ thế thực hiện, nội dung mới bổ sung vào thì cần có quá trình thực nghiệm.
"Quá trình này giao cho các tác giả triển khai vì họ viết, sẽ nắm được ý đồ của mình. Sẽ có các nhà khoa học gồm những người có uy tín tham gia vào hội đồng đánh giá", Bộ trưởng nói./.