Bộ trưởng chỉ đạo bỏ, Sở chần chừ
Giữa tháng 7/2015, tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, trước vướng mắc từ thực tiễn, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu Vụ Vận tải xem xét, sửa đổi theo hướng bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải tại Thông tư 63.
Hôm 12/10, tại Hội nghị sơ kết 9 tháng Bộ GTVT, đại diện các doanh nghiệp nhắc lại chỉ đạo trên của Bộ trưởng và khẳng định đến nay sau đúng 1 quý, quy định bất cập này vẫn chưa được bỏ. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải lý giải, chỉ đạo của Bộ trưởng chưa được triển khai do các sở còn nhiều tâm tư.
Hết kiên nhẫn, hôm 15/10, tại cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Thăng “dọa” cắt chức cấp dưới nếu còn chậm trễ.
“Có người nói với tôi xin một lốt xe (tài chuyến) vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng… Tôi quyết định bỏ và tôi chịu trách nhiệm. Chỉ có sửa một điều trong thông tư mà mãi không làm. Thực tiễn yêu cầu như thế nhưng các ông chỉ thích xin - cho”, ông Thăng phê bình.
Trao đổi với PLVN, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp vận tải muốn kinh doanh xe khách liên tỉnh phải được sự đồng ý của hai Sở GTVT nơi đến và đi. “Việc bỏ quy định này, tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng Thăng”, ông Liên phát biểu quan điểm.
Vị này cho biết, cơ quan nhà nước nên thay đổi tư duy quản lý. Thủ tục trên là không cần thiết, gây mất thời gian của doanh nghiệp, đồng thời dễ nảy sinh tiêu cực xin – cho. “Các anh quản lý nhà nước nhưng toàn bằng văn bản, không linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Liên nói. Thực tế, nhiều bến xe thừa chỗ, doanh nghiệp vận tải muốn vào khai thác cũng không được do chưa được Sở GTVT chấp thuận. “Các ông ngồi ở bàn giấy thì sao mà biết được bến xe còn chỗ hay không?”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội nêu vấn đề.
Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc bỏ chấp thuận tuyến phải được thực hiện khoa học, cẩn trọng, tránh làm xáo trộn. “Bỏ chấp thuận tuyến nhưng các Sở GTVT vẫn quản lý tầm vĩ mô các bến xe để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn. Các sở phải tăng cường thanh, kiểm tra, tăng cường vai trò quản lý nhà nước”, ông Liên nói.
Bỏ thủ tục nhưng không bỏ trách nhiệm
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ với PLVN: “Nếu bỏ việc chấp thuận tuyến, các doanh nghiệp vận tải sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, Sở vẫn phải có giải pháp quản lý, nếu không các bến xe sẽ gặp khó khăn vì luôn là những địa điểm phức tạp. Đặc biệt, việc quy hoạch luồng tuyến, xe đến và đi lúc mấy giờ cần được thấu suốt”.
Ông Tuấn cho biết, hiện mỗi ngày Bến xe Mỹ Đình vận hành tổng cộng 1.300 đầu xe đi và đến. Số lượng xe khách được hoạt động bao nhiêu do Sở GTVT Hà Nội quy định, quản lý. Theo ông Tuấn, nếu bỏ quy định chấp thuận tuyến, trách nhiệm quản lý ở các bến xe sẽ nặng nề hơn, nhưng như vậy giúp các bến xe tăng tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
“Ví dụ, một bến xe chỉ chứa được 100 xe nhưng lãnh đạo bến sắp xếp, quản lí khoa học thì có thể tăng số lượng xe lên 150 chiếc mà vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ thì là việc nên làm”, ông Tuấn nói.
Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình thừa nhận hiện có nhiều nhà xe muốn kinh doanh vận tải xe khách tuyến liên tỉnh nhưng do số lượng đầu xe được kinh doanh trong bến có hạn nên không thể tiếp nhận. Hơn nữa, việc tiếp nhận đầu xe hay không do Sở quyết định.
Theo khảo sát của PLVN, đa số các doanh nghiệp vận tải hành khách ủng hộ việc bỏ chấp thuận tuyến. Họ thừa nhận khi đi làm thủ tục chấp thuận tuyến tại các sở, có tình trạng chậm trễ, thậm chí phải “đút lót” mới được việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp băn khoăn nếu bỏ chấp thuận tuyến.
Ông Đinh Quang Thắng, Giám đốc Công ty Dịch vụ vận tải Anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội - chuyên chở xe khách các tuyến Hà Nội – Thái Bình, Hà Nội – Vinh) cho rằng, nếu bỏ chấp thuận tuyến thì vai trò quản lý nhà nước của các sở sẽ không còn, từ đó dễ nảy sinh tiêu cực, đặc biệt nạn “xe dù” sẽ phát triển, làm đảo lộn môi trường kinh doanh vận tải hành khách.
“Tôi đoán rằng, chỉ cần sau 5 tháng bỏ chấp thuận tuyến, các bến xe sẽ loạn cả lên. Đồng thời những xe khách làm ăn đàng hoàng sẽ bị cạnh tranh bởi nạn xe dù”, ông Thắng bày tỏ lo lắng.
Phóng viên cũng gọi điện trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Lâm Đồng để hỏi quan điểm thì được cho biết, nếu bỏ chấp thuận tuyến thì doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu vai trò quản lý nhà nước ở các sở bị buông lỏng, có thể nảy sinh những tiêu cực khác tại bến xe. “Bến xe là nơi vốn rất lu bu, nếu quản lý không khéo dễ xảy ra lộn xộn. Nếu bỏ chấp thuận tuyến, các cơ quan thực hiện phải cân nhắc kỹ, đưa ra được giải pháp toàn diện, tránh gây xáo trộn, tiêu cực tại các bến xe”, ông Thanh nói.
Theo TTXVN, hiện nay cả nước có 1.238 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung. Quy mô doanh nghiệp nhìn chung là nhỏ (42% đơn vị có 5 xe trở xuống, 14% có 6 -10 xe, 34% có từ 11-50 xe, chỉ có 8% có trên 50 xe và 2% có trên 100 xe). Toàn quốc có khoảng 22.633 phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định.
Rất nhiều tuyến có cự ly dài từ 300km, thậm chí từ 150km cũng đã được doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới, sức chứa lớn trên 45 chỗ hoặc xe có giường nằm. Số lượng xe giường nằm là 7.792 xe, chiếm khoảng 34% tổng số phương tiện.