Bộ TT&TT ủng hộ Bình Dương thành lập Khu CNTT tập trung

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Bình Dương được quy hoạch với tổng diện tích 15,47 ha, nằm tại phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một với vốn khái toán ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Trung tâm dữ liệu lớn của vùng Đông Nam Bộ

Theo đề án, Khu CNTT tập trung Bình Dương được thực hiện trên cơ sở liên kết của cả vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), tận dụng và phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để tạo tác động tương hỗ, lan tỏa phát triển công nghiệp CNTT cho toàn vùng.

Khu này sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐNB, nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Khu CNTT tập trung Bình Dương sẽ trở thành động lực chính góp phần đưa ĐNB trở thành vùng phát triển công nghiệp CNTT, trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, trở thành trạm trung chuyển dữ liệu quốc tế và trung tâm dữ liệu lớn của khu vực, phát triển hệ sinh thái trung tâm dữ liệu thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và quốc tế.

Bình Dương sẽ triển khai dự án từ năm 2024 đến 2030 với vốn khái toán ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bình Dương sẽ triển khai dự án từ năm 2024 đến 2030 với vốn khái toán ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, dự án sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước; Đào tạo, nghiên cứu, thu hút nguồn lực để từng bước hình thành khu sản xuất chip bán dẫn, điện-điện tử, ngành công nghệ y học, sinh học, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ phục vụ chuyển đổi số;

Tập hợp và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp CNTT lớn mạnh, trở thành trung tâm đầu não về hoạt động chuyển giao công nghệ; Thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghệ cao gắn với nền kinh tế số theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và thích ứng chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của ngành CNTT, đảm bảo đến năm 2025, CNTT đóng góp 10% vào GRDP của tỉnh và năm 2030 là 30% GRDP.

Tiên phong thử nghiệm công nghệ mới

UBND tỉnh Bình Dương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt thành lập Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung. Theo tờ trình, sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Bình Dương sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển Khu CNTT tập trung và công nghệ cao.

Đặc biệt, Bình Dương xin cơ chế tiên phong để thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động và tạo động lực tăng trưởng. Các ngành và lĩnh vực trọng điểm sẽ thực hiện chuyển đổi số theo hướng tối ưu hóa và thông minh hóa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh.

Khu công nghệ thông tin tập trung sẽ nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương thuộc phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một.

Khu công nghệ thông tin tập trung sẽ nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương thuộc phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một.

Mục tiêu của dự án là kiến tạo hạ tầng cho ứng dụng, phát triển và thúc đẩy ngành CNTT; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm CNTT, phục vụ cho việc đào tạo và chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ số. Tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam;

Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực. Góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời hình thành trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm cung cấp hạ tầng và các dịch vụ CNTT và truyền thông, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, bảo vệ sở hữu trí tuệ...

Bộ Thông tin & Truyền thông nhất trí cao

Chiều 26/8, tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để lấy ý kiến Bộ chuyên ngành, về việc thành lập Khu CNTT tập trung.

Trình bày với Bộ TT&TT, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho rằng những năm gần đây, khu vực kinh tế Bình Dương nói riêng và vùng ĐNB nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các biến động về địa chính trị và sự cạn kiệt dư địa phát triển truyền thống. Quy hoạch một hệ sinh thái khoa học - công nghệ tại Bình Dương không chỉ là một bước đi chiến lược, mà còn là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng xu thế mới. Việc tận dụng vị trí địa lý chiến lược và nền tảng công nghiệp trên 25 năm của tỉnh để phát triển hệ sinh thái khoa học - công nghệ là sự lựa chọn tối ưu nhất cho mô hình tăng trưởng mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Thu Hương)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Thu Hương)

Khu CNTT tập trung Bình Dương được phát triển trên cơ sở liên kết cả vùng ĐNB, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo tác động tương hỗ, lan tỏa phát triển công nghiệp CNTT cho toàn vùng. Đây sẽ là nơi tập trung phát triển các lĩnh vực chủ chốt như CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT), Cục đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bình Dương triển khai bổ sung định hướng phát triển Khu CNTT tập trung vào quy hoạch hạ tầng ngành TT&TT và Quy hoạch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2050, là khả thi và có đầy đủ cơ sở pháp lý. Để dự án đạt hiệu quả, dự án Khu CNTT tập trung Bình Dương cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Dự án cần có quỹ đất sạch, có nhà đầu tư chiến lược và có sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong việc đầu tư dài hạn, bền vững.

"Bình Dương đã xác định được lĩnh vực trọng tâm là thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử vi mạch, nghiên cứu, sản xuất sản phẩm IoT. Đây là lĩnh vực phù hợp với tỉnh, có lợi thế trung tâm công nghiệp của cả nước, lại tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm công nghệ, đào tạo, kinh tế" - Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch nhận định.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chia sẻ quan điểm của Bộ là hết sức ủng hộ các địa phương triển khai xây dựng đề án thành lập các Khu CNTT tập trung. Việc Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tham dự làm việc trực tiếp cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm đến vấn đề này. Bộ TT&TT sẽ gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành đối với đề xuất thành lập Khu CNTT tập trung Bình Dương, tổng hợp và chuyển cho tỉnh để tiếp thu, hoàn thiện. Về tinh thần, Bộ TT&TT sẽ triển khai nhanh nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ quy trình, thủ tục đầy đủ theo quy định.

Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá cao sự phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh Bình Dương với Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông trong việc xử lý đề xuất thành lập Khu CNTT tập trung Bình Dương. Lãnh đạo Bộ TT&TT quyết tâm, ủng hộ và sẵn sàng đồng hành, hợp tác, hỗ trợ Bình Dương đẩy nhanh tốc độ trình Chính phủ để đề án được phê duyệt kịp tiến độ.

Trước những trao đổi của lãnh đạo Bộ TT&TT, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các ban ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở TT&TT làm tốt hơn nữa công tác phối hợp để hoàn thiện đề án Khu CNTT tập trung. "Bình Dương quyết tâm chuyển đổi từng bước sang 4.0. Đây là dự án, công trình đầu tiên để đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là CNTT"- Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi nói.

Tái thiết lại đô thị, tạo không gian phát triển công nghệ

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ tái thiết đô thị phía Nam. Tiến hành di dời công nghiệp lạc hậu lên phía Bắc của tỉnh, với quỹ đất khoảng 2.000 ha để tạo không gian phát triển theo cơ cấu kinh tế mới cho các địa phương phía Nam. Do đó, việc hình thành Khu CNTT tập trung Bình Dương sẽ đi trước làm tiền đề cho sự đột phá trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tri thức, quản lý… Điều này sẽ giúp khu vực phía Bắc tiếp nhận dịch chuyển công nghiệp, hỗ trợ tái sản xuất và nâng cấp công nghiệp, đảm bảo sự dịch chuyển hài hòa.

Đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ tái thiết đô thị phía Nam, di dời công nghiệp lạc hậu lên phía Bắc của tỉnh.

Đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ tái thiết đô thị phía Nam, di dời công nghiệp lạc hậu lên phía Bắc của tỉnh.

Hệ sinh thái khoa học công nghệ sẽ cung cấp đủ không gian chuyên môn, chuyên gia và đội ngũ kỹ sư cùng các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình di dời và sản xuất công nghiệp hiện hữu, chuyển đổi số, tự động hóa, kết nối đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao tay nghề. Qua đó, nền tảng sản xuất sẽ được hiện đại hóa giúp duy trì đà tăng trưởng cho tỉnh.

Đọc thêm