Thiết thực góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 Bộ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế của các bộ, ngành ở Trung ương nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng đối với công tác pháp chế của ngành GD&ĐT, mặc dù với khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu công việc ngày càng cao trong khi điều kiện nguồn lực còn hạn chế nhưng qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy công tác pháp chế của ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt, mối quan hệ công tác giữa 2 Bộ, giữa các đơn vị chức năng của 2 ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng bài bản, chặt chẽ, khăng khít và hiệu quả hơn, thiết thực góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 Bộ cũng như của từng cơ quan, đơn vị trong mỗi ngành, nhất là trong hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiếu thẳng thắn thừa nhận hiệu quả công tác phối hợp giữa 2 ngành trong triển khai công tác pháp chế vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và khả năng của cả 2 Bên, nhất là ở cấp độ địa phương. Nhằm khắc phục tồn tại này đồng thời phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, ngày 24/6/2015, Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT đã ký Chương trình phối hợp số 474/CT-BGDĐT-BTP về thực hiện công tác pháp chế giữa 2 Bộ giai đoạn 2015 – 2020.
Thứ trưởng Hiếu hy vọng, việc thực hiện Chương trình phối hợp và Kế hoạch công tác pháp chế hàng năm giữa 2 Bộ tiếp tục được củng cố, tăng cường trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GD&ĐT nhằm thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về GD&ĐT, tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi, góp phần đưa nền giáo dục nước nhà lên một tầm cao mới. Nhân Hội nghị này, Thứ trưởng Hiếu cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, của cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trong triển khai công tác pháp chế và mong nhận được sự quan tâm phối hợp nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Chung tay xây dựng đạo luật có tầm ảnh hưởng lớn
Năm 2017, với mục đích tổ chức Hội nghị một cách thiết thực, hiệu quả hơn, Lãnh đạo hai Bộ đã quyết định tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa 2 Bộ kết hợp với việc đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ được trình cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Theo Thứ trưởng Hiếu, đây là một đạo luật hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội trên phạm vi cả nước và trong mỗi gia đình, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện. Theo Thứ trưởng Độ, Dự thảo Luật ở thời điểm hiện tại là sản phẩm, kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ trong công tác xây dựng pháp luật - 1 trong 8 nội dung phối hợp giữa 2 Bộ thuộc Chương trình phối hợp 474 và Kế hoạch phối hợp năm 2017.
Thứ trưởng Hiếu hoan nghênh, việc tổ chức Hội nghị năm nay là một cách làm mới, thể hiện quyết tâm đưa quan hệ hợp tác giữa 2 Bộ ngày càng đi vào thực chất. Đồng thời đây cũng là một hoạt động thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng pháp luật từ khâu lập đề nghị, khâu chuẩn bị dự thảo đến hoạt động thẩm định của Bộ Tư pháp. “Bộ Tư pháp quyết tâm vào cuộc sớm hơn trong hoạt động xây dựng pháp luật” – Thứ trưởng Hiếu khẳng định.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi góp ý vào những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Giáo dục. Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến là đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh trung học cơ sở trường công lập. Theo đó, nhiều đại biểu tán thành đề xuất mở rộng này nhằm thực hiện phổ cập giáo dục theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.