Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, bổ sung, nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đáp ứng một số yêu cầu quản lý và đăng ký hộ tịch; phối hợp với Bộ Công an duy trì kết nối và tiếp nhận Số định danh cá nhân cho các trường hợp công dân Việt Nam đăng ký khai sinh lần đầu tại 59 tỉnh/thành phố tham gia sử dụng Phần mềm Đăng ký khai sinh điện tử; triển khai liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hiện Bộ đã hoàn thành triển khai cho 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trong tháng 12/2019, Hệ thống sẽ tiếp tục được mở rộng triển khai chính thức tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng số địa phương chính thức tham gia triển khai áp dụng lên 60/63 địa phương trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã được hình thành và đồng bộ tại 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 6.615.118 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 2.971.620 trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào phần mềm) đăng ký khai sinh mới có ngày đăng ký từ 01/01/2016 được cấp Số định danh cá nhân; 1.496.428 hồ sơ được đăng ký kết hôn; 980.993 trường hợp được đăng ký khai tử và 2.345.320 các sự kiện đăng ký hộ tịch khác và 23.390.921 công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn Hệ thống.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã đôn đốc các Bộ/Ngành, tỉnh/thành phố trong việc cập nhật, rà soát văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Trong năm 2019, các Bộ, ngành, địa phương đã cập nhật được 5.063 văn bản, nâng tổng số lượng văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đến nay là 105.502 văn bản.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2: Bộ Tư pháp đã hoàn thành, 100% thủ tục hành chính của Bộ đã được công bố tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và được trích xuất về Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp tại mục Dịch vụ công trên Cổng thông tin Bộ Tư pháp.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4: Bộ Tư pháp đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực Nuôi con nuôi nước ngoài, Bổ trợ tư pháp, Lý lịch tư pháp, Đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đưa các lĩnh vực hành chính tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm. Đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác này với trọng tâm là xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với việc tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.