Bộ Tư pháp được giao 33 nhiệm vụ, quyền hạn

Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp vừa được Chính phủ ban hành hôm qua -13/3, Bộ Tư pháp được giao thực hiện 33 nhiệm vụ, quyền hạn và có 27 tổ chức trực thuộc.

Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp vừa được Chính phủ ban hành hôm qua -13/3, Bộ Tư pháp được giao thực hiện 33 nhiệm vụ, quyền hạn và có 27 tổ chức trực thuộc.

Nghị định quy định, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

Bộ Tư pháp được giao 33 nhiệm vụ, quyền hạn như: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm đã được phê duyệt và các dự án, đề án khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;… trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án quan trọng quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ…

Chính phủ còn quy định cụ thể các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực: Xây dựng pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở; hành chính tư pháp; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; bồi thường nhà nước; đăng ký giao dịch bảo đảm…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Về cơ cấu tổ chức, Nghị định quy định Bộ Tư pháp có 22 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước (gồm: 9 Vụ; Thanh tra; Văn phòng; 1 Tổng cục, 10 cục) và 5 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ. Trong đó, Nghị định cho phép: Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế được tổ chức 4 phòng. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính được tổ chức 5 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ; riêng đối với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013.

T.S

Đọc thêm