Bộ Tư pháp nói về tên gọi 'trạm thu giá': Bộ GTVT cần cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân

(PLO) - Nhiều ngày qua, dư luận phản ứng về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá. Một số chuyên gia cho rằng Bộ đang “đánh tráo” khái niệm để lách luật nhằm tiếp tục nắm quyền quyết định mức thu. Thậm chí, một số lái xe con bức xúc dùng giá đỗ để trả phí qua trạm.
Bộ Tư pháp nói về tên gọi 'trạm thu giá': Bộ GTVT cần cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân

Bộ GTVT: “Trạm thu giá” là do nhà đầu tư gọi tắt

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề chuyển đổi từ “trạm thu phí BOT” sang “trạm thu giá BOT”. Bộ này cho rằng việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua. 

Bộ GTVT dẫn chứng giai đoạn trước 1/1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh phí và Lệ phí số 38. Theo đó, “Phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục phí, lệ phí quy định tại Pháp lệnh này và do Nhà nước quản lý, ban hành. Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Đối với từng dự án cụ thể, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu riêng cho từng dự án và mức thu nằm trong khung quy định chung tại Thông tư 159 của Bộ này.

Nhưng từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và Lệ phí, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Theo đó, 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ. Trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”. Bộ GTVT khẳng định kể từ ngày 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá và Nghị định số 149 của Chính phủ.

“Tại Thông tư 49, Bộ GTVT đã quy định rõ, đầy đủ tên gọi là “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Nhưng một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận” - Bộ GTVT cho hay và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp.

Cần nghiên cứu nghiêm túc, lắng nghe ý kiến nhân dân

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp và vẫn đang theo dõi sát thông tin dư luận, báo chí phản ánh.

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cũng phân tích: Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí năm 2015, từ ngày 1/1/2017, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (trong đó có các dự án BOT đường bộ) được chuyển từ cơ chế phí sử dụng đường bộ sang cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ do Nhà nước định giá, chịu sự điều chỉnh của Luật Giá. Việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá đối với dịch vụ sử dụng đường bộ đã được Quốc hội bàn thảo và quy định trong Luật.

Vấn đề hiện nay là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả, nhất là các dự án BOT đường bộ để bảo đảm lợi ích của người dân và cả nhà đầu tư, ở đây có trách nhiệm rất lớn của Bộ GTVT. Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ đã giao Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ (khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá). 

Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 01/3/2017) quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó có sử dụng cụm từ “Trạm thu giá” để chỉ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Việc dùng cụm từ “Trạm thu giá” tại Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT là cách sử dụng từ ngữ viết tắt trong văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý để các “Trạm thu phí” BOT đổi tên thành “Trạm thu giá” BOT dẫn đến dư luận phản ứng dữ dội thời gian qua.

Ngoài ra, các cụm từ “Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, “Trạm thu giá dịch vụ” (sử dụng đường bộ) cũng đã được dùng trong một số văn bản khác (Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; Nghị quyết số 43/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao BOT).

Theo ông Ba, về nội dung chính sách, như đã nói, từ ngày 1/1/2017, khoản tiền người tham gia giao thông phải trả (đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, trong đó có các dự án BOT đường bộ) được xác định theo cơ chế giá (giá dịch vụ do Nhà nước định giá) là có cơ sở từ Luật. Tuy nhiên, việc sử dụng các từ ngữ (“thu giá”, “trạm thu giá”) theo cách nêu trên cần được xem xét thêm, nhất là về khía cạnh ngôn ngữ học. 

“Chúng tôi cho rằng, Bộ GTVT cũng như các cơ quan chức năng có liên quan cần nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về ngôn ngữ để lựa chọn từ ngữ trong văn bản cho phù hợp, vừa phản ánh đúng nội dung chính sách (khoản tiền người dân phải trả khi tham gia giao thông đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được xác định theo cơ chế giá dịch vụ do Nhà nước định giá), vừa phù hợp với quy tắc ngôn ngữ tiếng Việt” – ông Ba bày tỏ.  

Đọc thêm