Sự “đánh tráo” phương pháp

(PLO) - Những ngày vừa qua, chuyện “Trạm thu phí” trở thành “Trạm thu giá” đã từ báo chí, dư luận “nhảy” ra nghị trường, làm “nóng” thêm nhiệt độ những ngày hè, vốn đã ngột ngạt. 
Một bức ảnh lan truyền trên mạng để chế giễu việc “thu giá” khi qua Trạm Thu giá. Ảnh minh họa nguồn Zing
Một bức ảnh lan truyền trên mạng để chế giễu việc “thu giá” khi qua Trạm Thu giá. Ảnh minh họa nguồn Zing

Đúng là ai đó đã có “sáng kiến” làm “què quặt” tiếng Việt khi mà cả một dân tộc đang cố gắng để làm trong sáng nó, trong điều kiện hết sức phức tạp. Một sự “đánh tráo” khái niệm, che đậy một “ý đồ” không mấy trong sáng. Đã là Nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt, không phải ai muốn gọi kiểu gì thì gọi, nhất là trong quản trị quốc gia.

Câu chuyện các “Trạm thu phí” BOT vốn của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) vì sao trở thành vấn đề trật tự xã hội, an sinh xã hội của đất nước. Không nói ra thì ai cũng biết, chúng ta đã sai ngay từ đầu, từ gốc. Đầu tiên đó là vi hiến, khi “cản trở” quyền đi lại của nhân dân, vốn được hiến định.

Mới hôm qua đây thôi, bên hành lang Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ông Lê Thanh Vân — ĐBQH Đoàn Cà Mau nhắc lại quan điểm đã là BOT thì phải có một bên đầu tư và bên kia hưởng dịch vụ, còn Nhà nước có trách nhiệm cung cấp giao thông phổ biến nhất cho nhân dân. Những gì mà Nhà nước thu của nhân dân thông qua thuế, ngân sách, Nhà nước phải đảm bảo giao thông tối cần thiết cho nhân dân. Đó chính là các tuyến quốc lộ, mà quốc lộ thì nhất định không được thu phí. “Chỉ những chỗ các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để người dân có sự lựa chọn tốt hơn thì mới được thu tiền”, ông Vân khẳng định. Phải nói rằng các dự án BOT hiện nay hầu hết làm trên đường sẵn có, đường độc đạo dù là “thu phí” hay đánh tráo sang “thu giá” đều dẫn tới giá độc quyền, bất ổn xã hội.

Thứ hai, cái sai tiếp theo là không có quy hoạch được duyệt. Thu hút nguồn lực xã hội, xã hội hóa đầu tư công là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên với những lĩnh vực nhạy cảm nhất, liên quan đến an sinh xã hội, quyền đi lại của nhân dân, dứt khoát phải có một văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ (thậm chí phải được luật hóa bằng văn bản của Quốc hội).  Đối với BOT giao thông cần thiết phải có quy hoạch về các tuyến đường BOT giao thông, những tuyến đó, dứt khoát không được nhắm vào “độc đạo”, hoặc dùng “độc đạo” để làm “đối ứng” thu hút BOT như QL5 Hà Nội — Hải Phòng.

Nói thật ra, một thời gian chúng ta đã say sưa với việc “bán đường”, với các doanh nghiệp đầu tư BOT thì nhìn thấy đường là nhìn thấy “mỏ tiền”. Không có ai phản biện, “đọc ngược, đọc xuôi” các quy định của luật pháp. 

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải khi được báo chí hỏi cũng nêu quan điểm: “Việc Bộ GTVT cần quan tâm là rà soát khoảng cách vị trí giữa các trạm, mức thu phí của các trạm, cần thanh tra, kiểm tra đếm số lượt mà các phương tiện giao thông đi qua các trạm BOT, bảo đảm số lượt công bố chính xác. Khi xảy ra sự thiếu minh bạch cần phải xử lý quyết liệt”. Đây là việc cần làm, từ đó mới có những quyết định chuẩn. 

Không thể vì “lúng túng” mà đánh tráo phương pháp.

Đọc thêm