Bộ Tư pháp quyết liệt cải cách hành chính từ công tác xây dựng kế hoạch

(PLVN) - Quy chế xây dựng kế hoạch năm 2024 của Bộ Tư pháp được ban hành trong bối cảnh công tác cải cách hành chính nội bộ mạnh mẽ với tinh thần cải cách quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Hôm nay (15/11), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế xây dựng Kế hoạch của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định 2026/QĐ-BTP ngày 28/10/2024), lưu ý những việc cần triển khai để thực hiện Quy chế khi áp dụng cho việc xây dựng Kế hoạch từ năm 2025 của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đảm bảo ban hành các Kế hoạch công tác trước ngày 31/12 hàng năm.

Ông Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ông Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, cho biết, đây là quy chế thứ 3 trong công tác xây dựng Kế hoạch của Bộ Tư pháp. Quy chế được ban hành trong bối cảnh công tác cải cách hành chính nội bộ mạnh mẽ với tinh thần quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện yêu cầu chuyển đổi số, gắn kết công tác kế hoạch và phân bổ ngân sách theo hướng “kế hoạch đi trước, ngân sách đi theo phục vụ”.

Do đó, "Quy chế năm 2024 kế thừa những điểm tích cực của các Quy chế trước với những thay đổi căn bản về quy trình thủ tục trách nhiệm xây dựng kế hoạch", ông Lâm nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Mai Hương, Trưởng phòng Thống kê của Cục Kế hoạch - Tài chính giới thiệu Quy chế năm 2024 gồm 18 điều với nhiều nội dung đổi mới căn bản.

Quy chế đã cụ thể hóa chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ bằng việc quy định giảm thời gian, giảm thủ tự tục; nâng cao vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch, đặc biệt là bảo đảm sự gắn kết giữa kế hoạch công tác với kế hoạch kinh phí...

Theo đó, Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp năm 2024 có 5 điểm mới, thể hiện đúng tinh thần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn mới của Bộ Tư pháp, gồm: phạm vi điều chỉnh; vai trò, trách nhiệm của các đơn vị; mốc thời gian trong quy trình, thủ tục xây dựng góp ý, trình phê duyệt kế hoạch; trình tự xây dựng kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ tham dự Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp năm 2024

Giải thích thêm về Quy chế, ông Phạm Văn Lâm lưu ý, Quy chế năm 2024 quy định quy trình xây dựng kế hoạch còn 03 bước, giảm 01 bước (thẩm tra) so với Quy chế năm 2019 để giảm thủ tục hành chính nội bộ. Cục Kế hoạch Tài chính sẽ thực hiện thủ tục thẩm tra cùng với thủ tục góp ý dự thảo Kế hoạch của các đơn vị, tránh trùng lặp. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp đã vào nền nếp, không còn chồng chéo, không cần Cục thẩm tra dự thảo Kế hoạch sau khi đã góp ý dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng kế hoạch của các đơn vị.


Bà Lê Thị Khánh Chi - Trưởng phòng Quản lý Ngân sách Tài sản, Cục Kế hoạch - Tài chính, trình bày một số nội dung cần lưu ý trong quá trình xây dựng dựng kế hoạch nhằm bảo đảm tính khả thi của kế hoạch về kinh phí thực hiện.

Quy chế năm 2024 quy định các đơn vị phải lấy ý kiến góp ý của 3 đơn vị (Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ) đối với dự thảo Kế hoạch trước khi trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt/ban hành. Quy chế cũng đẩy nhanh thời điểm trình ban hành/phê duyệt các kế hoạch của Bộ chậm nhất ngày 31/12 trước năm kế hoạch để thống nhất thời điểm phân bổ ngân sách hàng năm của Bộ, bảo đảm sự thống nhất và phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ được đề ra và nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch phục vụ công tác quản lý của Bộ, ngành Tư pháp với phương châm "quản lý bằng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch".

Với những điểm mới căn bản của Quy chế, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính nhấn mạnh, Quy chế năm 2024 đã giảm thủ tục hành chính, trao tính chủ động cho các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch theo các thủ tục, thời gian quy định.

Trước đó, ngày 31/10/2024, Cục Kế hoạch Tài chính đã quán triệt Quy chế xây dựng Kế hoạch của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định 2026/QĐ-BTP ngày 28/10/2024) đến các đơn vị thuộc Bộ.

Đọc thêm