Tham dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của 10 nước thành viên ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Tại điểm cầu Bộ Tư pháp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn đã có bài phát biểu tại Hội nghị.
Theo thông báo của nước chủ nhà Mianma và Ban Thư ký ASEAN, Hội nghị ASLOM 19 sẽ có một số nội dung chính như: Tình hình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các nước ASEAN; Báo cáo về việc tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN; Chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN; cơ quan đầu mối thông tin pháp luật ASEAN; tình hình xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ, Hiệp định ASEAN về chuyển giao người bị kết án phạt tù; tình hình hợp tác trong lĩnh vực pháp luật thương mại; cập nhật thông tin về Hội nghị ASEAN về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự…
Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp tích cực cho quá trình thảo luận, đề ra các phương hướng nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch hợp tác pháp luật đã đề ra theo những khuôn khổ và lộ trình đã được xác lập, góp phần triển khai Cộng đồng ASEAN và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hữu Huyên đã đưa ra các quan điểm của phía Việt Nam về các nội dung nêu trên.
Đối với nội dung tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN, ông Huyên khẳng định, diễn đàn pháp luật là một kênh quan trọng để các nước thành viên tăng cường hợp tác về tư pháp, pháp luật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thẳng thắn trao đổi về công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua các nước ASEAN vẫn chưa tận dụng cơ chế này một cách hiệu quả khi số lượng các Diễn đàn trong lĩnh vực pháp luật được tổ chức rất ít. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tổ chức Diễn đàn pháp luật, các nước ASEAN cần chú trọng đa dạng hóa chủ đề của các Diễn đàn. Các Diễn đàn cần tập trung vào những vấn đề mà các Bên cùng quan tâm như: tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo, phụ nữ và trẻ em, tư pháp hình sự (phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán người, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao...), phòng chống bạo lực tình dục và bạo lực gia đình...