Bộ Tư pháp thiết thực góp phần xây dựng 'Chính phủ phục vụ'

(PLO) - Bộ Tư pháp đang tích cực nghiên cứu nhân rộng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là phương thức hiệu quả đã được một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực tế và nếu được chính thức nhân rộng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một “Chính phủ phục vụ” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn tâm niệm chỉ đạo
Người dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại bộ phận một cửa.
Người dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại bộ phận một cửa.

Tiếp nhận hàng trăm nghìn hồ sơ mỗi ngày

Trong thời gian qua, với việc cải cách và đổi mới mạnh mẽ nền hành chính mà trọng tâm là cải cách TTHC, việc công khai minh bạch trong giải quyết TTHC (gồm: trình tự thực hiện thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, cơ quan giải quyết, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí thực hiện thủ tục...) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tại trụ sở cơ quan giải quyết là một trong những thành tựu cải cách TTHC được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình tìm hiểu, thực hiện TTHC.

Theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng năm 2015, với gần 9 triệu người dân đã thực hiện các TTHC liên quan đến: cấp Chứng minh nhân dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, BHXH thì tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết TTHC là trên 1.836 tỷ đồng.

Nhưng nếu sử dụng dịch vụ bưu chính thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết TTHC), tiết kiệm 1.602 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đó, việc giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Trước hết, mặc dù số lượng hồ sơ TTHC lên tới hàng trăm nghìn mỗi ngày nhưng việc tiếp nhận, giải quyết chủ yếu mang tính thủ công, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này còn hạn chế nên chủ yếu người có nhu cầu làm TTHC phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết TTHC nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết.  

Tiếp đó, việc phải đến trụ sở cơ quan giải quyết TTHC để nộp hồ sơ và nhận kết quả cũng trở thành một áp lực không chỉ đối với người thực hiện TTHC mà còn áp lực đối với cả cơ quan giải quyết TTHC.

Với việc hàng ngày vừa phải tiếp xúc với người dân có yêu cầu thực hiện TTHC, vừa trực tiếp giải quyết các yêu cầu đó, công chức dễ nảy sinh việc gây sách nhiễu, phiền hà cho người làm thủ tục.

Mặt khác, việc phải đi đến trụ sở cơ quan giải quyết TTHC để nộp hồ sơ và nhận kết quả của người thực hiện thủ tục cũng làm mất thời gian, công sức cũng như chi phí cho việc thực hiện TTHC, nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, đi lại khó khăn.

 Những tồn tại, hạn chế đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là chưa có giải pháp tổng thể và công cụ hữu hiệu để cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân.

Một trong các giải pháp cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, gia tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC mà một số bộ, ngành, địa phương đã triển khai là tổ chức việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính.

Điển hình như Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT, BHXH Việt Nam và một số tỉnh, TP như An Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, TP.HCM, Yên Bái...  

Tiết kiệm hơn 1.600 tỷ đồng chi phí xã hội

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, khảo sát về việc triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện hiện nay.

Kết quả cho thấy, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện là một phương thức hiệu quả trong công tác cải cách TTHC nói riêng, cải cách hành chính nói chung.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức nêu trên mới chỉ là hoạt động mang tính cục bộ ở một số bộ, địa phương nên cần được nhân rộng trong phạm vi cả nước bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Từ chỉ đạo và thực tiễn nghiên cứu, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, xác lập cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn gửi hồ sơ hoặc nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính.

Với việc sử dụng dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính, người dân sẽ giảm được thời gian thực hiện TTHC. Thay vì phải trực tiếp đi - đến nộp hồ sơ hoặc nhận kết quả tại cơ quan giải quyết TTHC, cá nhân, tổ chức liên hệ với nhân viên bưu chính để đến nhận hồ sơ và chuyển cho cơ quan giải quyết TTHC. 

Không những thế, người dân còn tiết kiệm cả chi phí. Theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng năm 2015, với gần 9 triệu người dân đã thực hiện các TTHC liên quan đến: cấp chứng minh nhân dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, BHXH thì tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết TTHC là trên 1.836 tỷ đồng.

Nhưng nếu sử dụng dịch vụ bưu chính thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết TTHC), tiết kiệm 1.602 tỷ đồng. Việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại còn đồng nghĩa với giảm thiểu số lần tham gia giao thông của người dân, giảm thiểu rủi ro khách quan.

Đối với cơ quan hành chính, cơ chế này giúp giảm chi phí liên quan đến hoạt động của các bộ phận một cửa (về nhân lực và cơ sở vật chất); hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết TTHC; giảm bớt áp lực đối với các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, tạo điều kiện để cán bộ công chức có thêm thời gian vào công việc chuyên môn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đối với xã hội thì lợi ích đem lại là giảm thiểu số lượt người dân tham gia giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Bước đầu triển khai, mô hình trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện đến tận nhà người dân đạt được hiệu ứng tích cực, người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần thực hiện cải cách TTHC, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, tới đây nếu được nhân rộng qua dịch vụ bưu chính công ích thì Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhận định một số thách thức. Đáng chú ý nhất, do đây là một cách làm mới và chưa được áp dụng rộng rãi nên cần phải được truyền thông mạnh mẽ và tích cực.

Mặt khác, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ vì hiện nay việc áp dụng chủ yếu là tự phát, cục bộ.

Đọc thêm