Bỏ uống thuốc điều trị, bé trai 5 tuổi rơi vào nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gia đình tự ý ngừng cho uống thuốc điều trị, bé trai 5 tuổi mắc thận hư kháng steroid rơi vào nguy kịch với biến chứng huyết khối toàn bộ tĩnh mạch lớn.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Bé T.A (5 tuổi, ở Nghệ An) mắc hội chứng thận hư kháng steroid, bắt đầu điều trị từ tháng 1/2023 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cuối tháng 1/2024, bé được đưa vào viện trong bệnh cảnh huyết khối tĩnh mạch chủ dưới, được theo dõi tại khoa Thận & Lọc máu và khoa Huyết học. Bệnh nhi được kiểm soát, sử dụng thuốc đều đặn theo phác đồ, nên tình trạng cải thiện.

Tuy nhiên, do gia đình nhận thấy huyết khối không còn đáng ngại, đã tự ý ngừng sử dụng thuốc chống đông. Sau 2 tuần, trẻ xuất hiện triệu chứng sưng đau, phù 2 chân, đặc biệt là ở chân bên phải. Ngày 20/3, gia đình đưa T.A vào bệnh viện địa phương thăm khám và ngay trong đêm trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo bác sĩ Trần Hoàng – Khoa Thận và Lọc máu, kết quả xét nghiệm xác định trẻ có huyết khối lớn, nguy cơ gây tắc mạch máu phổi và mạch máu não, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Sáng 21/3, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn cùng 4 chuyên khoa để tìm giải pháp, mổ cấp cứu an toàn nhất cứu sống trẻ.

“Bệnh nhi có huyết khối chiếm toàn bộ tĩnh mạch chủ dưới, từ đùi, chậu 2 bên lan đến cả tĩnh mạch chủ đoạn sau gan. Do đó, việc khống chế đầu trên của tĩnh mạch chủ dưới rất khó khăn. Chỉ cần một sai sót nhỏ có thể khiến huyết khối di chuyển lên buồng tim phải, gây thuyên tắc phổi, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi, cùng với đó là nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật khi bộc lộ các mạch máu lớn", bác sĩ Mạnh Hoàn – Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại Tổng hợp cho biết.

Kết quả cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Đánh giá siêu âm sau 8 giờ, trẻ tái thông dòng chảy tĩnh mạch thận 2 bên, tái thông tĩnh mạch chủ dưới đoạn sau gan và ngang tĩnh mạch thận, không có bằng chứng huyết khối trôi về tĩnh mạch phổi 2 bên.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa. Hiện tại, trẻ được kết hợp điều trị nội khoa, các chỉ số ổn định, ăn uống bình thường sau phẫu thuật.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhi mắc hội chứng thận hư có hoặc không có tiền sử huyết khối nên theo dõi, tái khám định kì đúng theo lịch hẹn của bệnh viện, tuân thủ phác đồ điều trị, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc.

Nếu trẻ có các biểu hiện sưng đau, phù tím chi, khó thở, tím tái hay bất kỳ biểu hiện tái phát nào của hội chứng thận hư và huyết khối tĩnh mạch, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đọc thêm