Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, riêng tại Hà Nội và TP HCM, hiện có khoảng 400 tranh chấp liên quan đến 2% quỹ bảo trì chung cư; đặc biệt có khoảng trên 50 chung cư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì cho Ban quản trị.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ xây dựng) cho biết, liên quan đến phí bảo trì 2%, đang có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng nên bỏ việc thu phí bảo trì 2%, sau 5 năm tòa chung cư đi vào hoạt động thì mới thu quỹ này. Lí do luồng ý kiến này đưa ra là trong 5 năm đầu, toàn nhà có hỏng hóc thì đã có phí bảo hành, bảo dưỡng chi trả trong thời hạn 5 năm đầu. Sau thời gian bảo hành thì mới nên thu quỹ bảo trì cho chung cư.
Ý kiến thứ hai cho rằng nên duy trì phí bảo trì 2% ngay từ đầu, tuy nhiên cần có cách quản lí, sử dụng hợp lí, tránh tình trạng quỹ bảo trì bị chủ đầu tư “om” lại hoặc bị Ban quản trị tòa chung cư sử dụng không đúng mục đích, thất thoát. “Quan điểm của Bộ Xây dựng theo ý kiến thứ hai. Cần duy trì quỹ bảo trì ngay từ đầu, tuy nhiên cần có cách quản lí hiệu quả”, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, sau phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các ý kiến sẽ được tổng hợp, đánh giá, trước khi đưa ra phương án cuối cùng là có nên duy trì thu phí bảo chỉ chung cư 2% hay không; nếu duy trì, phương án sử dụng, quản lý, giám sát quỹ cũng sẽ phải được thực hiện chặt chẽ, tránh tình trạng tranh chấp như hiện nay xảy ra ở nhiều chung cư.
Trao đổi với PLVN về hướng quản lí quỹ bảo trì, ông Nguyễn Tử Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) đề xuất, ngay từ ban đầu, kinh phí 2% thuộc quỹ bảo trì cần tách riêng ra một tài khoản tại ngân hàng, “treo” ở đấy, sau đó chỉ với mục đích bảo trì thì mới được giải ngân. Khi đã mở tài khoản riêng cho quỹ bảo trì thì quỹ này không phụ thuộc vào ý kiến của chủ đầu tư, mà khi Ban quản trị tòa nhà được công nhận theo quy định pháp luật thì ngân hàng sẽ giao tài khoản này cho Ban quản trị.
Như vậy, chủ đầu tư sẽ không thể can thiệp được vào nguồn quỹ, từ đó tránh được những tiêu cực như đã xảy ra trong thời gian qua, đồng thời tạo thuận lợi để quỹ hoạt động hiệu quả.
Cũng theo ông Quang, khi quỹ bảo trì đã giao cho Ban quản trị rồi thì cơ quan quản lý Nhà nước (như thanh tra Sở Xây dựng) vẫn có quyền giám sát việc hoạt động của quỹ, tránh tình trạng tranh chấp giữa Ban quản trị và cư dân hoặc tình trạng Ban quản trị sử dụng quỹ không đúng mục đích, chuộc lợi…