Khám cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội |
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến dưới, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
Đại diện Bộ Y tế xác nhận, Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là cúm A(H1N1) và cúm B.
Hiện nay, thời tiết đang là mùa Đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.
Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa Đông Xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể, thứ nhất, bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thứ hai, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thứ ba, tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Thứ tư, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Thứ năm, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn, có chỉ định của thầy thuốc. Thứ sáu, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.