Tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời chúc mừng các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Liên bang Nga đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng như trong công tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với những hỗ trợ và hợp tác của ba nước dành cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua.
Đối với vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam đã rà soát tổng thể quy trình cấp phép vắc xin do nước ngoài sản xuất trong tình trạng khẩn cấp, theo đó đã rút ngắn thời gian xem xét các thủ tục hành chính, đảm bảo cấp phép thuận lợi và nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo nguyên tắc an toàn, khoa học, hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu.
Tại cuộc tiếp và làm việc cùng ngài Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng Trung Quốc đến nay đã triển khai chương trình tiêm vắc xin cho hơn 100 triệu người dân.
|
Ngài Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Trần Minh |
Ngài Đại sứ Trung Quốc cho hay hiện Trung Quốc đã viện trợ vắc xin COVID-19 cho 69 quốc gia. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, trong đó có các công dân Việt Nam có nhu cầu đi lại, giao thương, học tập tại Trung Quốc do nước bạn đã triển khai chính sách “hộ chiếu vắc xin”, trong đó có ưu tiên với người tiêm vắc xin của Trung Quốc.
Công ty Vabiotech (trực thuộc Bộ Y tế) là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp cận, trao đổi, đánh giá tổng thể nguồn lực, khả năng cung ứng vaccine COVID-19 của đối tác Trung Quốc, cũng như nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước.
“Chúng tôi hy vọng sớm nhận được hồ sơ đăng ký cấp phép vắc xin COVID-19 của Trung Quốc. Khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ điều kiện, việc cấp phép sẽ được tiến hành nhanh chóng trong vòng 2 tuần”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Tiếp ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verna, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và ngài Đại sứ đã trao đổi về các chương trình hợp tác y tế, đặc biệt là vấn đề về vắc xin COVID-19.
|
Ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verna. Ảnh: Trần Minh |
Ấn Độ hiện đang sản xuất 2 loại vắc xin phòng COVID-19, một loại của hãng AstraZeneca đặt hàng (loại này không phục vụ thị trường Việt Nam) và một loại do Công ty Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin. Công ty Đức Minh đã nộp hồ sơ lên Bộ Y tế để xin đăng ký cấp phép cho vắc xin Covaxin.
Về đề xuất của phía Việt Nam trong việc phối hợp hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu, phát triển, phía Ấn Độ cho biết sẽ trao đổi vấn đề này với các công ty nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin của Ấn Độ để bàn luận về phương thức hợp tác.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất phía Ấn Độ tăng cường hỗ trợ, trao đổi với Việt Nam để giúp Việt Nam sớm chủ động sản xuất được vắc xin 5 trong 1 do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, hiện đang sử dụng để tiêm trẻ em Việt Nam an toàn và hiệu quả.
Hai bên cũng bàn thảo và nhất trí tăng cường trong lĩnh vực đầu tư sản xuất công nghiệp dược tại Việt Nam.
Trong cuộc làm việc với ngài Bublikov Vadim - Tham tán Công sứ Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch đối với vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V của Nga.
Về những đề xuất của Việt Nam liên quan đến việc cung ứng vắc xin Sputnik V cho Việt Nam cũng như hợp tác với Việt Nam trong việc sản xuất Sputnik V tại Việt Nam, ngài Tham tán công sứ Nga cho biết sẵn sàng phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành của Việt Nam trong việc thực hiện các thoả thuận liên quan đến vắc xin Sputnik V.