Bộ Y tế tìm ra chứng cứ mới trong vụ tai biến chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong

(PLVN) - Nhóm các nhà khoa học của Bộ Y tế đã tìm ra chứng cứ mới để tranh luận công khai làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của 8 nạn nhân trong vụ chạy thận ở Hoà Bình.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng cần làm rõ nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong vụ chạy thận ở Hoà Bình
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng cần làm rõ nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong vụ chạy thận ở Hoà Bình

Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB-CTYT), Bộ Y tế - đại diện nhóm các nhà khoa học về trang thiết bị y tế, vừa cho biết hiện nay nguyên nhân cái chết của 8 nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận ở Hoà Bình vẫn là một dấu hỏi lớn cần được làm rõ. "Nếu là ngộ độc, thì toàn bộ các bệnh nhân cùng bị ngộ độc chứ không thể chỉ có 8 người bị chết. Trong đó có 1 nạn nhân chết nhưng khi khám nghiệm có tỉ lệ HF là 0,02, trong khi ngưỡng 0,05 vẫn an toàn, chứng tỏ tử vong do nguyên nhân khác"- ông Hải băn khoăn.

Theo TS Hải, một trong những yếu tố liên quan đến nguyên nhân tử vong của bệnh nhân chạy thận nhân tạo đó là: 3 van nước của thuộc hệ thống RO1 bị hỏng nhưng chưa được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ ảnh hưởng của 3 van này như thế nào đối với cả hệ thống. "Viện TTB-CTYT đã vẽ lại bản vẽ của toàn bộ hệ thống xử lý nước RO1, RO2 và các nhà khoa học về Trang thiết bị y tế đã phân tích cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan khoa học chỉ rõ 3 van theo kết luận điều tra (K1; K2; K3) thuộc hệ thống RO1 bị hỏng đồng thời trên cùng một con đường là việc rất hy hữu"- ông Hải nhận định.

Ông Hải phân tích thêm, do sử dụng lâu, nhiều lần sục rửa, bảo trì bằng hoá chất trước đây đã làm cho quá trình hỏng 3 van diễn ra từ từ, gây rò rỉ nước sinh hoạt thành phố qua 2 cột lọc đầu và nhiều chất bẩn bong trôi do bị sục ngược các cột lọc đầu của RO1 (không đủ tiêu chuẩn chạy thận) vào hệ thống RO2. Bác sĩ Hoàng Công Lương đã nhận thấy một số biểu hiện lâm sàng bất thường trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận trước đây, từ đó đã yêu cầu bảo trì hệ thống nước. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hoà Bình, hệ thống RO1 cấp nước cho rửa quả lọc, hệ thống RO2 cấp nước để chạy máy thận, vì thế theo tư duy logic thì bác sĩ Lương yêu cầu bảo trì hệ thống RO2 là đúng, điều này thể hiện trực giác nghề nghiệp của bác sĩ Lương là rất tốt. Việc không ngờ tới là hư hỏng từ hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm trực tiếp vào vòng tuần hoàn cho chạy thận nhân tạo

Theo các nhà khoa học về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hoá học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế, việc hệ thống RO1 hỏng 3 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào RO2 cho máy chạy thận nhân tạo là nguyên nhân khiến 8 người bệnh tử vong. Đây là tình tiết mới chưa có trong kết luận điều tra chứ không thể là tồn dư hoá chất HF như đã được cơ quan điều tra đưa ra trước đó.

Ông Hải cho biết vấn đề được Bộ Y tế đặt ra là có bao nhiêu chất trong máu các nạn nhân, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hoà Bình đã cho tiêu hủy toàn bộ hệ thống RO1 và RO2 là vật chứng quan trọng nhất của vụ án khi chưa thực nghiệm hiện trường đầy đủ, khách quan, khoa học. "Tôi đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và điều tra thực nghiệm lại với sự chứng kiến, phối hợp của các nhà khoa học trong y tế để tìm ra nguyên nhân tử vong cho những người bệnh một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học"- TS Hải kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên ngày 1-8, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết những thông tin mới nhất về vụ án cũng sẽ được Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, sau phiên tòa phúc thẩm vào giữa tháng 6-2019, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các chuyên gia về trang thiết bị y tế, về y tế, các luật sư… để đánh giá lại toàn bộ vụ việc và xem xét yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án nói trên.

Đọc thêm