Bồi thường tai nạn lao động như thế nào?

(PLO) - Anh Trương Thanh Được (huyện An Biên – Kiên Giang) hỏi: Tôi là ngư dân làm thuê cho tàu cá do bà H ở huyện Châu Thành làm chủ, thời gian đã được gần một năm. Trong một chuyến biển gần đây, tôi bị tai nạn phải điều trị tại bệnh viện, đến nay sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục....
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Sau khi tai nạn xảy ra, bà H có đưa cho tôi một số tiền bảo hiểm của Bảo Việt chi trả và khoản tiền bồi dưỡng thêm của bà H, nhưng vẫn chưa đủ so với chi phí điều trị, phục hồi sức khỏe... Vậy, quyền lợi của tôi, trách nhiệm của bà H và của bảo hiểm (BH) sẽ như thế nào theo quy định của phát luật?

Luật gia Bùi Đức Độ trả lời:

 Người sử dụng lao động (NSDLĐ) bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ - BNN) cho người lao động (NLĐ) theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, trong đó bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về LĐ; người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; cán bộ, công chức, viên chức…; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Như vậy, NSDLĐ của tàu cá là bà H bắt buộc phải tham gia BH TNLĐ – BNN tại BHXH với mức 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của ngư dân, ngư dân không phải đóng.

Do bà H đã mua BH tai nạn thuyền viên của Bảo Việt nên bà H phải trả phần còn thiếu nếu Bảo Việt trả chưa đủ so với quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Ví dụ: anh Được có mức lương trung bình là 10 triệu đồng/tháng, bị tai nạn suy giảm 5% khả năng LĐ thì số tiền bồi thường của bà H phải trả cho anh là: 1,5 x 10 triệu đồng = 15 triệu đồng. Nếu Bảo Việt trả dưới 15 triệu đồng thì bà H phải bù cho đủ 15 triệu đồng. Trường hợp bà H có tham gia BH TNLĐ – BNN cho anh Được tại BHXH thì số tiền BHXH trợ cấp một lần cho ngư dân Được bị TNLĐ theo điểm a khoản 2 Điều 48 Luật ATVSLĐ là: 5 x 1.300.000 đồng (tháng lương cơ sở) = 6.500.000 đồng. Tổng cộng ngư dân Được bị TNLĐ hưởng từ NSDLĐ, Bảo Việt và BHXH là: 15.000.000 đồng + 6.500.000 đồng = 21.500.000 đồng.

Ở trường hợp này, bà H không tham gia BH TNLĐ – BNN cho anh tại BHXH, hiện nay chưa có Thông tư quy định thi hành Điều 39 Luật ATVSLĐ nên chưa biết bà H có phải chịu trách nhiệm trả phần BHXH mà đáng lẽ anh Được hưởng nếu bà H có tham gia BH TNLĐ – BNN hay không được hưởng, có nghĩa là bà H có phải trả thêm 6.500.000 đồng hay không phải trả 6.500.000 đồng ngoài trách nhiệm bồi thường 15 triệu đồng như ví dụ trên.  

Cho dù, NSDLĐ nói chung, bà H nói riêng có hay không tham gia BH TNLĐ – BNN tại BHXH hay mua BH tai nạn tại các doanh nghiệp kinh doanh BH, thì NSDLĐ vẫn phải có trách nhiệm đối với người bị TNLĐ theo quy định tại Điều 38 Luật ATVSLĐ như: kịp thời sơ cứu, cấp cứu, tạm ứng tiền, thanh toán chi phí y tế, trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian điều trị phục hồi chức năng LĐ…

Đọc thêm