Bóng đá nữ xứ cờ hoa đấu tranh đòi lương bình đẳng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong nhiều thập kỷ, Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Hoa Kỳ dù giành được nhiều thành tích đáng kể, bao gồm cả chức vô địch World Cup, nhưng họ lại chưa bao giờ được trả công tương xứng. Bằng cách nào đó, những cầu thủ nam luôn kiếm được nhiều hơn so với nữ cầu thủ. Sự bất công đó chính là khởi điểm của những cuộc đấu tranh đòi lương bình đẳng của những tuyển thủ bóng đá nữ tại Hoa Kỳ.
Đội tuyển bóng đá nữ giơ cao cờ Mỹ khi giành được Huy chương Vàng trong Thế vận hội Olympic 1996.
Đội tuyển bóng đá nữ giơ cao cờ Mỹ khi giành được Huy chương Vàng trong Thế vận hội Olympic 1996.

Năm 2022 là “bước ngoặt”

Vào ngày 22/02/2022, Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ (US Soccer) và Đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ (USWNT) đã cùng ký với nhau một thoả thuận, trong đó cam kết mức lương giữa các nữ cầu thủ và nam cầu thủ sẽ được bảo đảm tương đương nhau. Kèm theo đó sẽ có những hoạt động và quỹ hỗ trợ cho những nữ cầu thủ về hưu và nữ cầu thủ trẻ tuổi. Nền bóng đá nữ Hoa Kỳ đã gọi thoả thuận nêu trên là khoảnh khắc lịch sử, bởi trải qua rất nhiều thập kỷ, đội tuyển bóng đá nữ luôn bị coi nhẹ hơn so với đội tuyển bóng đá nam.

Để đến được thoả thuận mang tính “bước ngoặt” này, cần phải nhìn lại vài năm trước đó. Đó là vào tháng 3/2019, Đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ (USWNT) đã đệ đơn kiện Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ (US Soccer) về tình trạng phân biệt đối xử giới tính. Nguyên đơn là 28 nữ cầu thủ trong đội tuyển, tất cả đều tuyên bố rằng họ đã được trả lương thấp hơn so với các thành viên trong đội tuyển quốc gia nam, từ những trận đấu giao hữu cho đến những giải đấu lớn, bao gồm cả World Cup.

Không thể phủ nhận những thành tích nổi bật mà đội tuyển bóng đá quốc gia nữ đã mang lại cho nền bóng đá nước nhà kể từ thập 90 đến nay. USWNT được xếp vào những đội tuyển tốp đầu của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA), với 4 chức vô địch World Cup nữ, 4 huy chương vàng Olympic, 8 cúp vàng CONCACAF,… Tuy nhiên, những nữ cầu thủ này đã bị trả lương thấp hơn hàng trăm ngàn đô la cho những thành quả họ đã đem về cho đất nước.

Đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ hiện tại đã 2 lần vô địch World Cup vào 2015 và 2019.

Đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ hiện tại đã 2 lần vô địch World Cup vào 2015 và 2019.

Cuộc chiến trở nên gay gắt hơn khi đơn kiện của USWNT bị thẩm phán liên bang Gary Klausner bác bỏ vào tháng 5/2020 với lý do đội nữ được đá nhiều trận đấu hơn, do đó tính theo thu nhập luỹ kế thì họ phải kiếm được nhiều hơn so với đội nam. Phán quyết đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ phía dư luận.

Ngay sau đó, hai cầu thủ của USWNT là Christen Press và Tobin Heath đã chia sẻ trước báo giới rằng, họ sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này đến cùng cho đến khi được trả công bình đẳng. Heath cũng cho biết thêm, mục tiêu mà cô và đồng đội đang hướng đến “lớn hơn bất cứ thứ gì họ có thể giành được trong bóng đá”. Nói là làm, vào tháng 7/2021, USWNT đã đệ đơn kháng cáo phán quyết tháng 5/2020, nói rằng quyết định này “không đúng với thực tế” và “sai về mặt pháp lý”.

Đã có thời điểm Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ (US Soccer) đã phải “xuống nước” khi chia sẻ trên Twitter rằng, thông qua các cuộc thương lượng thì “đội tuyển quốc gia nữ sẽ được trả lương cao hơn”. Vào tháng 9/2021, US Soccer thông tin rằng họ đang đưa ra một mẫu hợp đồng công bằng hơn cho cả hai đội tuyển quốc gia nam và nữ. Tuy nhiên, bị cho là đang cố gắng “chây ỳ” để kéo dài vụ kiện, US Soccer đã bị chỉ trích bởi Hiệp hội các đội tuyển quốc gia nữ Hoa Kỳ (USWNTPA) là sử dụng “chiêu trò PR” nhằm xoa dịu dư luận.

Đến cuối cùng, cuộc chiến pháp lý của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia để được trả lương bình đẳng cũng đi đến hồi kết vào đầu năm 2022, sau ba năm trời ròng rã. Trong buổi thương lượng cuối cùng, US Soccer cũng đã đồng ý khoản thanh toán 24 triệu đô la, trong đó 22 triệu đô la được chia đều cho toàn đội và 2 triệu đô la được cho vào quỹ hỗ trợ cho các nữ cầu thủ sau khi về hưu hoặc những nữ cầu thủ trẻ sau này. Theo đó, mỗi cá nhân có thể được hỗ trợ đến 50.000 USD từ quỹ này.

Chủ tịch US Soccer Cindy Parlow Cone nói rằng: “Kết quả này là một chiến thắng cho tất cả mọi người, là chiến thắng của các nữ cầu thủ và cũng là chiến thắng của bóng đá Hoa Kỳ. Tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng Liên đoàn đã mắc sai lầm trong quá khứ. Với tư cách là một cựu cầu thủ, tôi hiểu tâm thế của các nữ cầu thủ và tôi thực sự tự hào khi có thể là một trong những người tạo ra và củng cố sự bình đẳng giới trong nền bóng đá nước nhà”.

Chính Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng nói rằng ông tự hào về đội tuyển quốc gia nữ đã không bao giờ bỏ cuộc và kêu gọi những nỗ lực thu hẹp khoảng cách lương giữa các vận động viên nam và nữ trong những bộ môn thể thao khác. Trước đó, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố rằng sẽ tạm “đóng băng” các nguồn tài trợ của US Soccer nếu họ không nỗ lực rút ngắn khoảng chênh lệch lương giữa nam và nữ.

Bình đẳng và công lý

Megan Rapinoe, đội trưởng của USWNT đã chia sẻ với CBS Morning rằng cô “cảm thấy một chút kỳ lạ” bởi vì những nữ cầu thủ đã đấu tranh đòi lương bình đẳng trong một thời gian dài. Nhìn vào lịch sử bóng đá nữ Mỹ, có thể thấy rất nhiều phụ nữ đã chiến đấu hết mình để đem về những thành tích nổi bật, đưa nền bóng đá nước nhà lên tầm cao mới.

Đội trưởng Megan Rapinoe phát biểu tại Nhà Trắng.

Đội trưởng Megan Rapinoe phát biểu tại Nhà Trắng.

“Tôi thực sự cảm thấy tự hào và mong đợi một công lý mới dành cho những thế hệ cầu thủ tiếp theo. Họ sẽ không bao giờ phải trải qua những gì chúng tôi đã và đang phải trải qua - đó là được trả công bình đẳng trên mọi khía cạnh của một cầu thủ bóng đá. Tôi nghĩ rằng đây là khoảnh khắc báo hiệu một nền bóng đá Hoa Kỳ thực sự vững mạnh mà tất cả thành viên đều có thể tự hào là một phần của nó”, Rapinoe nói.

Rapinoe cũng cho biết thêm rằng tác động lâu dài của thỏa thuận này có thể dẫn đến thành công vượt bậc hơn nữa của đội tuyển nữ quốc gia, bởi lẽ các tuyển thủ sẽ được đầu tư trang bị cơ sở vật chất tốt hơn cũng như cuộc sống của họ cũng được đảm bảo ở mức cao hơn. “Đây là di sản lớn nhất mà những cầu thủ ở thế hệ này có thể để lại cho những thế hệ tiếp theo. Các em sẽ có thể làm tốt hơn chúng tôi trong quá khứ và hiện tại. Đó chính là mục tiêu cao cả nhất”, theo Rapinoe.

USWNT thắng kiện đã mang lại rất nhiều hy vọng cho các nữ cầu thủ bóng đá nói riêng và các nữ vận động viên nói chung. Bởi lẽ sự chênh lệch mức lương giữa các đội nam và đội nữ đã tồn tại trên toàn thế giới bao lâu nay, và không chỉ xảy ra trong bóng đá mà còn ở nhiều bộ môn thể thao khác.

Bà Neena Chaudhry, Cố vấn cao cấp tại Trung tâm Luật Phụ nữ Hoa Kỳ, nhận định rằng, sự đối xử bất bình đẳng với các vận động viên nữ trong thể thao bắt nguồn từ một nền văn hoá phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ “thâm căn cố đế” đã “hằn sâu” trong nhận thức của số đông. Do vậy, việc mà USWNT đã làm được là “tạo ra một con đường mòn mới trong nhận thức của công chúng”. Họ cho cả thế giới thấy phụ nữ có khả năng gì và sự kiên trì của họ sẽ được đền đáp như thế nào. Theo đó, bà Chaudhry tin rằng sự kiện này có thể truyền cảm hứng cho nữ vận động viên trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan toả ra quốc tế, đấu tranh cho những gì họ xứng đáng được hưởng.

Bên cạnh Hoa Kỳ, Úc, Na Uy, Hà Lan, Brazil và Ireland là những quốc gia đã và đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách lương giữa nam giới và nữ giới trong bộ môn bóng đá nói riêng, trong thể thao nói chung. Đơn cử, gần đây nhất là vào tháng 8/2021, Hiệp hội Bóng đá quốc gia Ireland (FAI) đã thông báo rằng, tất cả các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia nam và nữ sẽ nhận các mức tương đương nhau khi tham gia các trận đấu trong nước và quốc tế - đây cũng được coi là quy định mang tính lịch sử đối với nền thể thao bóng đá của Ireland.