Brazil: “Bão” tham nhũng chưa vơi lặng

(PLO) - Với tỷ lệ sít sao 6-5, Tòa án Tối cao Brazil vừa chính thức cho phép quốc hội nước này quyền ra phán quyết cuối cùng về mọi quyết định bãi miễn một chính trị gia. Đây được xem là thắng lợi đối với các nghị sĩ vốn đang đấu tranh để tự bảo vệ mình thoát khỏi nguy cơ bị điều tra và khởi tố tham nhũng. 
Tòa án Tối cao Brazil
Tòa án Tối cao Brazil

Quyết định ngày 11/10 nói trên cho phép Thượng viện tiến hành cuộc bỏ phiếu vào tuần tới để rút lại phán quyết trước đó của Tòa án Tối cao đình chỉ tư cách Thượng nghị sĩ của ông Aecio Neves, người đang bị điều tra với 7 tội danh tham nhũng. 

“Bão” quá lớn

Đa số các thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil đã quyết định ngừng cuộc đối đầu với Quốc hội trong vụ bê bối tham nhũng chính trị được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại nước này; trong đó, Tổng thống Michel Temer và một số bộ trưởng trong nội các của ông cũng bị cáo buộc liên quan. 

Theo kế hoạch, Hạ viện cũng sẽ bỏ phiếu vào cuối tháng này để khép lại những cáo buộc đối với Tổng thống Temer trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới JBS. Trước đó, ngày 10/10, Hạ viện Brazil thông báo bắt đầu xem xét đề xuất của Tòa án Tối cao về việc đưa Tổng thống Temer ra xét xử tại một tòa án hình sự với cáo buộc tham nhũng. 

Trong lần thứ hai cơ quan lập pháp Brazil phải tỏ ý kiến liên quan đến những cáo buộc tham ô của người đứng đầu nhà nước, trình bày báo cáo tại Hạ viện, nghị sĩ Bonifacio de Andrada, người được ủy quyền xem xét cáo buộc, đề xuất các thành viên cơ quan lập pháp không thông qua yêu cầu của Tòa án Tối cao bởi không đủ bằng chứng về việc ông Temerr đã thành lập một tổ chức nhằm hưởng lợi bất hợp pháp. Ông De Andrada cũng chỉ trích gay gắt cựu Tổng chưởng lý Rodrigo Janot, người đề xuất việc xét xử Tổng thống Temer, gây bất cân bằng giữa các cơ quan quyền lực. Trong lần bỏ phiếu thứ nhất, Hạ viện đã bác quyết định của Tòa án Tối cao với số phiếu áp đảo ủng hộ ông Temer. Dự kiến, Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu về việc có đưa Tổng thống Temer ra xét xử vì tội tham ô hay không. Nếu 2/3 trong tổng số hạ nghị sĩ thông qua cáo buộc này, ông Temer sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa hình sự hoặc Thượng viện, theo như luật pháp quy định.

Theo kết quả điều tra của Cảnh sát Liên bang Brazil, Tổng thống Temer và các đồng minh của ông đã duy trì “một tổ chức nhằm hưởng lợi bất hợp pháp”. Trong vụ bê bối tham nhũng bị phát hiện từ năm 2014 tại Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Petrobras được biết đến với tên gọi “Car Wash”, các nhà điều tra phát hiện hệ thống hối lộ quan chức lên tới 4 tỷ USD. Ngoài ông Temer, cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cũng bị buộc tội tham nhũng và có thể phải đối mặt với 5 phiên xét xử. 

Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố. Đến nay, hơn 110 chính trị gia đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng nhóm, trong đó có hàng chục lãnh đạo các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.  Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra. Hiện có khoảng 1/3 số nghị sĩ Quốc hội Brazil - hơn 230 người, trong đó hơn một nửa là Thượng nghị sĩ, đang bị điều tra vì vi phạm luật và phải đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao, tòa duy nhất có thể xử các bộ trưởng và chính trị gia trong chính phủ.

Khởi động bào chữa

Trước đó, ngày 4/10, luật sư của Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức khởi động bào chữa đối với các cáo buộc Tổng thống cản trở tư pháp và liên kết phạm tội. 

Trong nội dung bào chữa gửi  Ủy ban Tư pháp của Hạ viện, Luật sư Eduardo Carnelos khẳng định những cáo buộc đối với Tổng thống Temer dựa trên những chứng cứ bịa đặt nhằm mục đích hạ bệ tổng thống, vì vậy đây là một “âm mưu đảo chính”. Trong hai cáo buộc mới, ông Temer bị cho là đã thỏa thuận để trả tiền mua chuộc một chính trị gia đang thụ án tù để người này không ra làm chứng chống lại ông; và cáo buộc liên quan đến vai trò của tổng thống trong một nhóm nghị sĩ bị cho là đã nhận hối lộ hàng triệu USD của các công ty muốn ký kết hợp đồng với chính phủ như Petrobras. 

Tổng thống Brazil Michel Temer.
Tổng thống Brazil Michel Temer.

Giới chuyên gia nhận định hiện Tổng thống Temer đang nắm trong tay đa số vững chãi tại Hạ viện và hoàn toàn có thể dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu sắp tới về các cáo buộc mới. Tuy nhiên, bê bối hiện nay làm suy yếu khả năng tổng thống được quốc hội thông qua các kế hoạch cải cách “thắt lưng buộc bụng”, đặc biệt là thắt chặt hệ thống hưu trí được cho là hào phóng ở quốc gia Nam Mỹ này. Một cuộc thăm dò hồi tháng 9 vừa qua cho thấy chỉ 3% người dân Brazil cho rằng chính phủ của Tổng thống Temer đang làm tốt chức trách của mình.

Phong tỏa tài sản cựu Tổng thống Dilma Rousseff

Cũng ngày 11/10, Tòa án kiểm toán liên bang Brazil (TCU) đã phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống nước này Dilma Rousseff với cáo buộc về vai trò của bà trong thỏa thuận hồi năm 2006 khi Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Petrobras mua một nhà máy lọc dầu ở thành phố Pasadena thuộc bang Texas của Mỹ. 

Ngoài cựu Tổng thống Rousseff, quyết định của TCU có thời hạn 1 năm cũng phong tỏa tài sản đối với cựu Bộ trưởng Tài chính Antonio Palocci, cựu Chủ tịch Petrobras Jose Sergio Gabrielli và nhiều thành viên khác trong ban lãnh đạo Petrobras. Theo TCU, năm 2006 Petrobas đã quyết định mua nhà máy lọc dầu ở Mỹ với chi phí lên tới 580 triệu USD, được đánh giá là quá cao do dựa trên “tiêu chuẩn phi kinh tế được dùng để định giá nhà máy này”. Ở thời điểm Petrobas nắm 50% quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu, bà Rousseff đang giữ cương vị chánh văn phòng của Tổng thống Brazil khi đó, Luiz Inacio Lula da Silva. Bà cũng là Chủ tịch Ban Giám đốc của Petrobas. Năm 2014, khi vụ bê bối liên quan đến nhà máy này nổ ra, bà Rousseff khẳng định mình chỉ phê chuẩn thỏa thuận do nhận được “thông tin không hoàn chỉnh” cho một báo cáo “sai sót về mặt kĩ thuật và pháp lý”. Năm 2016, cựu Tổng thống Rousseff đã bị Quốc hội Brazil phế truất khi do những sai phạm về tài chính và được thay thế bằng Phó Tổng thống Michel Temer. 

Bắt giam cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia

“Cơn bão” tham nhũng và chống tham nhũng ở Brazil càng trở nên khốc liệt hơn khi ngày 9/10, Bộ Tư pháp Brazil công bố lệnh giam giữ vô thời hạn đối với Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil (BOC) Carlos Arthur Nuzman. Ông này đã bị bắt tạm giam 5 ngày (từ 5/10 vừa qua) với cáo buộc hối lộ các thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để thành phố Rio de Janeiro giành quyền đăng cai Olympic mùa Hè 2016. 

Dẫn giải cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil (BOC) Carlos Arthur Nuzman
Dẫn giải cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil (BOC) Carlos Arthur Nuzman

Theo các nhà điều tra Brazil, ông Nuzman, 75 tuổi, đã giúp dàn xếp vụ đút lót 2 triệu USD để Rio de Janeiro giành chiến thắng. Ông cũng bị buộc tội tham nhũng, rửa tiền và là thành viên của một tổ chức tội phạm. Các nhà chức trách Brazil khẳng định vị Chủ tịch BOC có thể là một “mắt xích quan trọng” trong âm mưu mua chuộc các thành viên người châu Phi trong IOC nhằm giành quyền đăng cai Olympic 2016. IOC đã đình chỉ toàn bộ chức danh và quyền hạn của ông Nuzman cũng như loại ông này khỏi Ủy ban Điều phối cho Thế vận hội Tokyo năm 2020 cũng như của chính COB. Ngày 8/10 vừa qua, BOC đã công bố một bức thư có chữ ký của ông Nuzman, trong đó ông đề nghị được từ chức để bảo vệ mình trước các cáo buộc trên. 

Trước đó, thẩm phán liên bang của Rio de Janeiro, Marcelo Bretas cũng đã chấp nhận yêu cầu của Viện kiểm sát Brazil kéo dài thời hạn giam giữ đối với ông Leonardo Gryner, một cựu Chủ tịch BOC, người cũng bị bắt giam hồi tuần trước trong khuôn khổ cuộc điều tra tham nhũng mang tên “Unfair Play” (Chơi xấu) được tiến hành ở nhiều quốc gia. Viện Công tố Brazil cho biết kéo dài thời gian giam giữ là biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ đương sự tạo ra các bằng chứng giả.