Hai ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức do phe ủng hộ Anh ở lại EU không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua, ngày 26/6, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn – người phản đối Brexit (Anh rời EU) - cũng đang phải đối mặt với áp lực phải rời bỏ vị trí này.
Rối loạn
Tuy nhiên, ông Corbyn khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp tới nay đã có 11 thành viên Công đảng tuyên bố phản đối ông và rời khỏi nội các bóng tối (tức nội các đối lập) của ông. Lãnh đạo Công đảng Corbyn được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục người dân Anh ở lại EU khi có tới 1/3 cử tri của Công đảng bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Một số thành viên nói rằng họ nghi ngờ ông Corbyn có khả năng dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, ông Corbyn cũng nhấn mạnh sẽ không phụ sự tin tưởng của các thành viên Công đảng khi bầu chọn ông, đồng thời cam kết sẽ bắt tay vào việc tái thiết đảng này kể từ ngày 27/6.
Còn các cường quốc thuộc EU kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại “hiệu ứng domino” đòi rời khỏi liên minh này đối với các nước thành viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu có thể đe dọa tới tính thống nhất của EU.
Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo việc EU rơi vào một giai đoạn “lấp lửng” thậm chí còn có thể dẫn tới tình trạng bất ổn an ninh lớn hơn và đe dọa tới thị trường lao động. Theo ông Schulz, Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 28/6, trong đó có sự tham dự của cả Thủ tướng Cameron, sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến trình đàm phán về vấn đề Brexit.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho rằng các cuộc đàm phán về quyết định ra đi của nước này chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm mới của ông được bầu ra, dự kiến vào khoảng tháng 10 tới.
“Brexit” - Lối thoát của nước Anh?
Bình luận về vấn đề “Brexit”, Hãng tin AP mới đây đưa ra nhận định rằng “người dân Anh đã chọn rời khỏi EU và đó là sự thật rõ ràng”. Trả lời báo giới một ngày trước cuộc trưng cầu ý dân, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, nhấn mạnh: “Ra đi là ra đi”. Còn Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh và Truyền hình của Anh gần đây thì nói rằng: “Bạn không thể nhảy ra khỏi máy bay và sau đó leo trở lại vào buồng lái”.
Vương quốc Anh là cường quốc đầu tiên quyết định rời khỏi EU. Việc đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua đã gây kinh hoàng cho thị trường tài chính toàn cầu. Cuộc bỏ phiếu “Brexit” không chỉ là về châu Âu mà còn về một phản ứng dữ dội phổ biến của London đối với các nguồn vốn và giới tinh hoa quyền lực của mình.
Thị trường tài chính dường như đã đưa ra sự bình chọn của mình, giống như lời trăng trối cho mối quan hệ giữa Anh và EU, với việc giá trị của đồng bảng Anh đã giảm xuống mức kỷ lục 10%. Tuy nhiên, khi lớp sương mù tan đi thì cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân của Anh chưa hẳn đã kết thúc. Tim Oliver, một nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế chính trị London nói: “EU có vẻ hơi giống Hotel California trong bài hát của nhóm Eagles. Bạn có thể trả phòng khách sạn bất cứ lúc nào, nhưng không hẳn là bạn rời đi thật”.
Nước Anh, giống như các quốc gia khác bị cuốn vào phong trào chống quyền lực đang lên của EU, sẽ chỉ đơn giản là “đàm phán một thỏa thuận mới, gần giống với thỏa thuận cũ, được ngụy trang bằng ngôn ngữ mờ đục và rồi phê chuẩn thỏa thuận ấy”, Giáo sư chính trị Andrew Moravcsik thuộc Đại học Princeton đã dự đoán như vậy ngay trước khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra.
Phần lớn sự không chắc chắn bắt nguồn từ câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng: Lối thoát của nước Anh hay “Brexit” có nghĩa là gì? Từ bỏ châu Âu có thể có rất nhiều nghĩa, có thể là việc rút lui khỏi EU, hoặc tham gia một cách hạn chế vào các vấn đề cốt lõi trong hội nhập EU, chẳng hạn như hạn chế xuất nhập cảnh lao động tự do.
Theo nhà nghiên cứu Tim Oliver: “Ra đi có thể có hàng triệu nghĩa khác nhau”. Ví dụ, nền chính trị của nước Anh sẽ “lang thang” ngoài hành lang EU chứ không chịu ảnh hưởng lớn từ EU nữa, như các chính trị gia phản đối quyền lực đang lên của EU vẫn tranh cãi xem đâu là lối thoát. Một số người tin rằng nước Anh có thể sẽ kết thúc mối quan hệ này mà không mất mát quá nhiều so với khi bắt đầu.
Cũng theo lời ông Tim Olivier: “Nhìn chung, nước Anh nhìn nhận châu Âu từ góc độ thỏa hiệp, tùy xem có thể đạt được điều gì ở đó. Thực tế là người dân Anh chưa bao giờ gắn bó mật thiết với EU”.
Ông Thierry Chopin, Giám đốc Quỹ nghiên cứu Robert Schuman nhấn mạnh người dân Anh luôn có “lối suy nghĩ cho một mô hình tối ưu phục vụ cho lợi ích quốc gia” trước công cuộc kiến thiết châu Âu. Ông cũng khẳng định: “Điều đó giải thích vì sao họ rất hăng hái trong việc mở rộng thị trường nội địa; còn lại, về chính sách tiền tệ hay tư pháp và các vấn đề nội bộ thì họ tìm cách đạt được các thỏa hiệp ưu tiên”.
“Cơ hội vàng” cho ai?
Nhìn nhận về nước Anh hậu Brexit, nhà nghiên cứu lịch sử Robert Tombs nói: “Không phải người dân Anh không yêu quý châu Âu như những người dân nước khác, nhưng nước Anh thực sự chưa bao giờ lưu luyến “dự án châu Âu” bởi quốc gia này không có chung một lịch sử (với các thành viên khác). Bởi vậy mà quốc gia này không hề lo sợ về những hậu quả của việc rời châu Âu”.
Từ Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông cảm thấy tiếc về quyết định của dân Anh nhưng phải chấp nhận quyết định này vì “đó là dân chủ”. Ông nói thêm rằng Anh nên rời EU một cách có trật tự. Chính quyền Washington nhấn mạnh: “Người dân Anh đã bày tỏ ý kiến. Chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”.
Tổng thống Barack Obama khẳng định: “Có một điều sẽ không thay đổi, đó là quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta (Anh và Mỹ). Quan hệ này sẽ được duy trì. EU sẽ tiếp tục là đối tác cần thiết của chúng ta. Khối NATO sẽ tiếp tục là một trụ cột của an ninh thế giới cũng như những giá trị chung của chúng ta, kể cả sự gắn bó của chúng ta với nền dân chủ, đa nguyên và bình đẳng cơ hội cho mọi nguời”.
Trong khi đó, một số chuyên gia được Hãng tin AFP dẫn lời cho rằng “Brexit” có thể mang lại “cơ hội vàng” cho Trung Quốc là đàm phán với một nước Anh đơn lẻ, bởi London chưa bao giờ đàm phán riêng lẻ từ 40 năm nay. Chuyên gia Guy de Jonquière chuyên nghiên cứu chính sách kinh tế tại Trung tâm châu Âu, cho rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng nắm bắt thời cơ này và nếu Anh không duy trì được quan hệ thương mại tốt đẹp với EU cùng các đối tác tiềm năng khác, họ sẽ rất dễ bị lép vế khi đàm phán với Trung Quốc...