'Bùa hộ mệnh' mang tên Thẻ bảo hiểm y tế

(PLVN) - Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự là “lá bùa hộ mệnh” cho bệnh nhân suy thận, bởi nó giúp người bệnh an tâm chữa trị vì đã được Quỹ BHYT gánh bớt phần lớn gánh nặng chi phí điều trị quá lớn. 
Bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn
Bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn

Điểm tựa… từ thẻ BHYT

Chúng tôi gặp anh Thành trong Khoa Hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn, giữa những bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt quãng đời còn lại. Anh Thành tâm sự, từ nhỏ anh đã có đam mê với những nhạc cụ dân tộc. Lớn lên anh trở thành một nhạc công, kiếm sống bằng nghề chơi đàn phục vụ những đám hiếu trên địa bàn. Thu nhập không quá cao nhưng anh cũng có cho mình một cuộc sống ấm êm với vợ con và đam mê của mình. Thế nhưng, cuối năm 2011, khi thấy trong người mệt mỏi, kém ăn, đi tiểu nhiều và sút cân…, anh đi khám ở BVĐK tỉnh, BV Bạch Mai và bị chẩn đoán mắc bệnh suy thận độ 3. 

“Tôi phải thuê nhà để điều trị ở một số bệnh viện tuyến trung ương, chỉ trong vòng 9 tháng đã tiêu tốn hơn 500 triệu đồng. Gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, vay mượn họ hàng, anh em vì lúc đó, tôi không tham gia BHYT”- anh Thành nhớ lại.

Sau đó, được sự tư vấn của các bác sĩ và người thân, anh Thành quyết định về quê, tham gia BHYT và đăng ký điều trị tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn từ cuối năm 2012 đến nay. Hàng tuần, anh đến BV 3 buổi để chạy thận lọc máu. Năm 2013, anh Thành được xét duyệt, cấp thẻ BHYT theo chế độ cựu chiến binh, giúp được hưởng quyền lợi thanh toán 100% chi phí chữa bệnh nên hàng tháng, anh chỉ phải bỏ thêm hơn 2 triệu cho chi phí đi lại, sinh hoạt, thuốc bổ…

“Thẻ BHYT đã giải thoát cho tôi và những người cùng cảnh ngộ gánh nặng tài chính để yên tâm chữa trị, tìm lại niềm vui và hi vọng sống. Thời gian qua, tôi đã thấm thía giá trị của chính sách này, vì nếu không có thẻ BHYT, tôi đã không thể cầm cự điều trị căn bệnh suy thận đến ngày hôm nay vì số tiền quá lớn, vượt quá khả năng của gia đình tôi” - anh Thành tâm sự.

Tấm thẻ xanh hi vọng ở “xóm chạy thận”

Nếu như trước đây, người mắc bệnh suy thận chủ yếu là người già trung bình trên 60 tuổi thì những năm trở lại đây, suy thận giai đoạn cuối cũng gặp nhiều ở người trẻ. Ở “xóm chạy thận” trong một con ngõ nhỏ đường Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô gái bé nhỏ Đặng Thị Xiêm (1994, Bắc Kạn) tâm sự: “Hai năm trước, em kết hôn và rất hạnh phúc khi biết mình có thai. Nhưng sau đó, em thấy rất mệt mỏi, đi tiểu ra máu, ngứa phát ban nên đi khám thì các bác sĩ cho biết mình mắc bệnh suy thận. Kết luận của các bác sĩ như tiếng sét ngang tai, cuộc sống như đổ sụp trước mắt. Sau đó, em phải bỏ thai, sống xa nhà để chạy thận thường xuyên ở BV Bạch Mai”. 

Gia đình Xiêm đã bán cả bò, cả trâu cho cô đi chữa bệnh, nhưng số tiền đó chẳng thấm là bao khi bệnh Xiêm ngày càng nặng. Nhờ những người cùng cảnh ngộ chia sẻ, Xiêm đã tham gia BHYT để có thể chữa trị bệnh lâu dài. “Quả thật trước đây em đã nghe nhiều về chính sách BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, cứu cánh với em, cho em niềm tin, niềm hi vọng để chống chọi với căn bệnh này”- Xiêm tâm sự.

Còn Nguyễn Như Tuấn (sinh năm 1994, quê ở Hòa Bình) tâm sự: “Số tiền chữa bệnh hàng tuần vượt quá sức với thu nhập gia đình chỉ trông vào trồng cấy như nhà em. Nhưng may là khi đi học em có tham gia BHYT nên khi mắc bệnh cũng biết được giá trị của tấm thẻ này. Vì vậy, khi thôi học, bố mẹ lại tiếp tục tham gia BHYT cho em để được chữa bệnh, đến nay cũng 7- 8 năm rồi” - Tuấn tâm sự.

Tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, chúng tôi càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Tấm thẻ BHYT tuy nhỏ bé, nhưng từ lâu đã trở thành những người bạn đồng hành cùng những người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật. Và tấm thẻ đó được nhiều người bệnh thân thương đặt cho cái tên: “Tấm thẻ màu xanh hi vọng”.

Đọc thêm