Bức tranh 'lem nhem' nhà ở xã hội tại Đà Nẵng

(PLVN) - Thanh tra TP Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) và chỉ ra loạt sai phạm. Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, hàng trăm hộ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) đã phải “khóc ròng” với cảnh nhà ở xuống cấp.

Người giàu “tranh ăn” người thu nhập thấp  

Chung cư An Trung 2 do Liên doanh Công ty CP Đầu tư Xây dựng 579 và Công ty CP Đức Mạnh làm chủ đầu tư. Tháng 1/2019, căn hộ được bàn giao cho người dân sử dụng. Dù là chung cư thu nhập thấp nhưng xung quanh có nhiều xe ô tô đậu đỗ khiến người dân nghi ngờ về sự minh bạch trong việc xét duyệt mua nhà ở xã hội tại đây.

Trước phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu làm rõ quy trình bố trí nhà ở xã hội tại An Trung 2 và cho ra kết quả nhiều “người giàu” vẫn được mua chung cư thu nhập thấp.

 

Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong quá trình thực hiện công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại đây, Sở Xây dựng và Liên doanh DMC-579 còn một số tồn tại, thiếu sót như: Sử dụng hệ thống biểu mẫu của Thông tư số 08/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 188/2013/TT-BXD của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã hết hiệu lực; Xét duyệt một số hồ sơ không có giấy tờ chứng minh đúng đối tượng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; xét duyệt cho các đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của người mua nhà ở xã hội, như: đã sở hữu nhà ở, chịu thuế thu nhập cá nhân…

Kết luận cũng chỉ ra việc kê khai không trung thực, không đúng về nhà đất, thu nhập chịu thuế; đối tượng làm việc trong doanh nghiệp của người xin mua nhà ở xã hội để lợi dụng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Qua kết quả kiểm tra, đối chiếu với 324 trường hợp được duyệt mua nhà; thanh tra phát hiện có 24 trường hợp đã có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 lô đất trở lên, 42 trường hợp có 1 lô đất và 1 trường hợp đứng tên mua giúp. Trong số 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội tại chung cư này, có 86 trường hợp chưa có nhu cầu về nhà ở, 45 trường hợp cho người khác ở nhờ trong thời gian dài, có dấu hiệu chuyển nhượng hoặc cho thuê, 12 trường hợp cho thuê.

Thanh tra Đà Nẵng đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Liên doanh DMC-579 chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, rà soát đối với những trường hợp sai phạm phải xử lý trong thời gian xét duyệt và được mua nhà ở xã hội tại An Trung 2 để lập thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định; kiến nghị các biện pháp xử lý đối với Sở Xây dựng, Liên doanh DMC-579, cán bộ, công chức viên chức, người lao động kê khai không trung thực, không đúng về tài sản, thu nhập.

Chất lượng xây dựng tồi tệ

Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, tại dự án chung cư Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) do Công ty Cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, thời gian qua ghi nhận khá nhiều phản ánh của người dân. Dự án xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức, các đối tượng chính sách xã hội có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên cho công nhân các khu công nghiệp và chế xuất mong muốn ổn định chỗ ở tại quận Liên Chiểu.

Bê bối đã xảy ra ở một số dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng
Bê bối đã xảy ra ở một số dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng 

Dự án có quy mô gồm 8 tòa nhà chung cư cao từ 12-15 tầng với 1.760 căn hộ. Trong đó, khu E1 và E2 thuộc giai đoạn 1 của dự án, được bàn giao và đi vào hoạt động từ ngày 15/12/2019. Thế nhưng, tại tầng 12 khu E1, E2 thuộc dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), hơn 100 hộ dân đang sống trong tình cảnh bị thấm dột nghiêm trọng, tường loang lổ vết nứt ngang dọc, nguy cơ chập điện cháy nổ chực chờ.

Tình cảnh chung của các hộ dân, khi mỗi lần trời mưa, nước men theo trần chảy xuống sàn, dột ngay giữa nhà, giường ngủ, phòng vệ sinh, phải dùng xô chậu để hứng. Dần dần các vị trí thấm dột mốc meo, loang lổ.

Theo chị Mai Thu Thảo (ngụ tầng 12, khu E2 Dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh), ngoài thấm dột, các hộ dân ở đây còn sống trong cảnh lo sợ khi hiện tượng xuống cấp xảy ra như tường thấm, nứt, điện chập. Theo lời kể của những hộ dân sinh sống tại đây, đã xảy ra trường hợp cháu nhỏ bị điện giật khi các thiết bị điện nổ, cháy khét trong phòng.

Điều làm hơn 100 chủ hộ ở hai block chung cư này bức xúc, sau khi đề nghị sửa chữa, chủ đầu tư đã đưa nhà thầu đến tiến hành khắc phục, nhưng thiếu quyết liệt. Đến mùa mưa, vào tháng 10/2019 bắt đầu lợp mái hút nước, bơm keo để lợp tôn, nhưng mưa tới lại thấm dột nhiều hơn.

Liên quan đến những thiếu sót này, Sở Xây dựng đã yêu cầu Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước nghiêm túc, khẩn trương, kịp thời thực hiện yêu cầu của Sở tại Công văn số 9150/SXD-CCGĐ ngày 19/11/2019 về việc phản hồi thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng thấm dột, hư hỏng hệ thống điện tại công trình chung cư nhà ở xã hội Hòa Khánh; trong đó tập trung thực hiện ngay biện pháp xử lý trước mắt nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống tại công trình; phải có khuyến cáo, cảnh báo và giải pháp di dời, không sử dụng tại các căn hộ chưa được xử lý khắc phục, nguy cơ không đảm bảo an toàn điện.

Tất cả thiết bị điện bị ảnh hưởng do thấm dột, rò rỉ nước đều phải được cắt điện, không để xảy ra hiện tượng rò điện, không để xảy ra sự cố an toàn điện; đồng thời phải có đơn vị tư vấn độc lập, đảm bảo năng lực tổ chức kiểm tra, có ý kiến đảm bảo công tác an toàn điện mới đấu nối lại vận hành trở lại; Kịp thời xử lý các kiến nghị của người dân nhằm đảm bảo an toàn, yêu cầu sử dụng, vệ sinh môi trường… 

Đọc thêm