Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 (Chương trình NTM), ông có thể khái quát diện mạo bức tranh NTM hiện nay so với những thời điểm trước?
- Dù mức độ đạt được có khác nhau ở các vùng miền, nhưng nhìn tổng thể bức tranh nông thôn Việt Nam đã có khởi sắc thay đổi rất nhiều, từ không gian đến cảnh quan, điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Những khó khăn, cản trở khi thực hiện Chương trình NTM như nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân với NTM, tình trạng lạm thu, quy hoạch không đến nơi đến chốn gây lãng phí trong đầu tư xây dựng… đã được giải quyết như thế nào?
- Đây là vấn đề xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của Chương trình, đã được Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương cũng như BCĐ các tỉnh đã đặt ra và có giải pháp chỉ đạo quyết liệt. Nó xuất phát từ nguyên nhân, đó là nhận thức lúc đầu của cả cán bộ và người dân là Nhà nước đầu tư - người dân hưởng thụ; do đó đã có chỉ đạo quyết liệt về chủ trương dân làm - Nhà nước hỗ trợ.
Thứ hai là phát huy vai trò cao độ của các cơ quan truyền thông để nắm bắt, giám sát, phản ánh kịp thời, giúp BCĐ các cấp phát hiện điểm còn hạn chế ở từng địa phương. Vừa rồi, nhiều địa phương cũng đã kiên quyết thu hồi lại danh hiệu khi địa phương đó không đạt chuẩn.
Gần 50% số xã chưa hoàn thành NTM đều là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cần suất đầu tư lớn. Chính phủ và BCĐ đã có giải pháp gì huy động sử dụng nguồn lực trong giai đoạn tới để phát triển các xã này?
- Những xã càng về sau mà chưa đạt NTM thì càng khó, nó xuất phát từ địa hình và điều kiện tự nhiên, dân cư. Giải pháp cụ thể trước mắt BCĐ Trung ương nhân rộng và xây dựng đề án xây dựng NTM ở cấp thôn bản, thí điểm trong giai đoạn 2018-2020. Thứ hai, ưu tiên nguồn lực cho xã khó khăn gấp 4-5 lần xã bình thường.
Thứ ba, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động doanh nghiệp, nhà tài trợ tập trung đầu tư vào các vùng khó khăn, đặc biệt là các vùng căn cứ cách mạng; phát triển du lịch gắn với NTM. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2030 để huy động mọi nguồn lực và động viên, khuyến khích sự thi đua đúng nghĩa.
Mới đây đã xuất hiện các khái niệm NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Vậy hiểu các danh xưng này thế nào, thưa ông?
- NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong giai đoạn này và giai đoạn sau là cần thiết. Bởi mục tiêu của Chương trình là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trưởng BCĐ Trung ương đã nêu rõ, có khởi đầu, không có kết thúc. Nghĩa là chúng ta phải tiếp tục, không có tính nhiệm kỳ và không bao giờ dừng lại. Khi được công nhận đạt chuẩn NTM, một số địa phương có tư tưởng là thỏa mãn, chững lại. Điều này thể hiện chúng ta chưa làm đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương.
Các đơn vị đã được công nhận hoàn thành NTM phải thực hiện tiếp NTM nâng cao. NTM nâng cao được hiểu theo nghĩa, tất cả các tiêu chí đều phải tập trung nâng cao. Trong đó xác định những tiêu chí trọng tâm liên quan đến đời sống của người dân như thu nhập, môi trường, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế… Bắt buộc các xã phải thực hiện NTM nâng cao để không có tư tưởng chững lại.
Về NTM kiểu mẫu, chúng ta làm trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, xây dựng mẫu hình về một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) xây dựng về lĩnh vực cảnh quan môi trường; huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát triển công nghệ cao theo hướng thông minh, phát triển sản xuất nông nghiệp; huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) về lĩnh vực du lịch và bảo tồn bản sắc.
Chúng ta không phải bắt buộc cho tất cả các tiêu chí, các cơ sở phải trọng tâm các tiêu chí liên quan đến đời sống của người dân, nhưng phải chọn được lợi thế để xây dựng NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, năm 2020 sẽ tổng kết NTM kiểu mẫu để hoàn thiện tiêu chí. Mẫu thì không bắt buộc, chỉ khuyến khích và giao chỉ tiêu làm thử, trên cơ sở đó tổng kết rút kinh nghiệm, phục vụ cho việc xây dựng tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Xin cảm ơn ông!