Sáng nay (9/10), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.
TS. Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ khác nhau, mà lại là sự khác biệt khá lớn (5 tuổi). Do đó, quy định này đã trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển chung. “Từ những hạn chế trên có thể thấy việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta là thực sự cần thiết, vấn đề quan trọng là lựa chọn, áp dụng phương án nào để đạt hiệu quả cao nhất”- TS.Thu nói
Theo ông Thu, sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu ngoài việc cần thể chế hóa đầy đủ, đúng tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng về an sinh xã hội nói chung, BHXH nói riêng, cần đặc biệt chú trọng các yêu cầu khác. Đó là phải phù hợp với xu hướng già hóa dân số; khả năng đáp ứng về sức khỏe của người lao động trên cơ sở phân nhóm lao động theo khu vực ngành nghề, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong quy định về tuổi nghỉ hưu.
Cùng với đó phải giải quyết hài hòa lợi ích của ba bên: người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước; phù hợp với chính sách giải quyết việc làm, thất nghiệp của Nhà nước; đảm bảo cân đối thu- chi của Quỹ BHXH…
Lấy dẫn chứng kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2006 của Tổng cục Thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi 50-59 không hề yếu hơn nam giới cùng tuổi, thậm chí trung bình mỗi năm phụ nữ ít báo ốm và ít phải nằm viện hơn nam giới cùng tuổi; bởi vậy, theo ông Thu, cần bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ vì phụ nữ dường như có khả năng làm việc tương đương nam giới..
Nếu lao động nữ nghỉ hưu sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, giảm cơ hội việc làm và thăng tiến của họ. “Việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tiệm cận bằng tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng”- Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nhận xét.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) kiến nghị cần phân biệt tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc. “Bởi có người nghỉ hưu là nghỉ làm việc, nhưng có người chưa nghỉ hưu mà gần như đã nghỉ làm việc, đến cơ quan chỉ ngồi chơi cho vui”- ông Trí nói.
Vị ĐBQH TP Hà Nội cũng cho biết, những người về hưu không có nghĩa là không làm việc, thậm chí nhiều người làm việc còn nhiều hơn lúc đương chức...“Dân bác sĩ chúng tôi, nhất là những bác sĩ giỏi, dù về hưu nhưng thu nhập còn cao hơn nhiều so với khi còn làm Nhà nước, bản thân tôi cũng như vậy...”
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng những người về hưu không có nghĩa là không làm việc. |
Nhấn mạnh đến việc cần làm rõ khái niệm “tuổi thọ trung bình” và “tuổi sống khỏe mạnh”, TS Ngô Quỳnh An, Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực- Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: Theo số liệu của Tổng cục dân số thì tuổi thọ bình quân của Việt Nam tuy cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới và được dự đoán sẽ tăng lên 75 tuổi vào năm 2030, nhưng sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Tuổi thọ sống khỏe mạnh vào năm 2018 chỉ khoảng 64 tuổi, tương đương với khoảng 10 năm bệnh tật. “Nên quan tâm đến tuổi thọ khỏe mạnh chứ không phải tuổi thọ trung bình, dự báo đến 2030, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam là 68 tuổi, vì thế tăng tuổi hưu phải xoay quanh độ tuổi này”..
Đồng tình với những vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), PGS,TS Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, lẽ ra chúng ta phải tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2010, bởi các quy định của pháp luật thường có độ trễ, không thể nói là làm được ngay.
Ông Định cũng đề nghị sớm hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan, nhất là các chính sách BHXH và bảo trợ xã hội. Cùng với đó, việc cải cách chính sách tiền lương phải được gắn chặt với việc cải cách chính sách BHXH.