'Bức tranh' thị trường lao động những ngày đầu năm 2025

(PLVN) - Năm 2025, dự báo cho thấy lao động trong lĩnh vực kinh doanh, bán hàng sẽ là mục tiêu tuyển dụng ưu tiên của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là IT - phần mềm, dù nguồn cầu giảm nhẹ nhưng vẫn thuộc nhóm ngành “khát” nhân lực... Dự báo một số ngành sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: bán buôn, bán lẻ tăng 4,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 3%...
Công nghiệp chế biến là một trong những ngành nghề được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. (Ảnh minh họa: binhthuan.gov.vn)

Thông tin về tình hình lao động, việc làm sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ LĐ-TB&XH dự báo sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ gặp các biến động dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách “giữ chân” người lao động, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động nhân sự sau Tết. Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.

Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để bảo đảm ổn định lực lượng lao động sau Tết, cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và những phiên trực tuyến kết nối các địa phương.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) ước tính năm nay thành phố sẽ cần thêm khoảng 310.000 - 330.000 lao động cho nền kinh tế. Thị trường lao động Hà Nội đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố kinh tế - xã hội mang tính toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ, dịch vụ và y tế. Vì thế ngay từ đầu năm 2025, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 25/12/2024 về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025 với mục tiêu giải quyết việc làm cho 169 nghìn lao động, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong quý I năm 2025 của các doanh nghiệp khoảng 100 nghìn - 120 nghìn lao động, xu hướng tuyển dụng sẽ rất đa dạng phân bố trên nhiều ngành nghề... Trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước) chủ yếu nhằm chuẩn bị cho dịp cao điểm lễ, Tết diễn ra vào cuối năm, tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng... (tăng khoảng 10 - 15%) để đẩy mạnh cho việc giải ngân vốn đầu tư và sản xuất hàng hóa cho các đơn hàng phục vụ dịp lễ, Tết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2025, thị trường lao động được dự báo sẽ phục hồi, tuy nhiên các thách thức về lao động và việc làm đi liền với bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động đã được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm; kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và tư, người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam…

Đọc thêm