Cung đường của những giọt mồ hôi hạnh phúc
5h sáng ngày 30/9, các vận động viên tham gia giải leo núi “Bước chân trên mây” - bắt đầu chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Dọc đường từ thị trấn Trạm Tấu đến chân núi Pú Luông (bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), bình minh dần dần ló rạng, cảnh vật hai bên đường hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cảnh vật hai bên đường hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình. |
Những thửa ruộng bậc thang ăm ắp lúa đã trĩu hạt, những ngôi nhà sàn đẹp như tranh vẽ, đặc biệt là những nụ cười, những bàn tay vẫy thân thiện của người dân Trạm Tấu hai bên đường như những nguồn năng lượng tươi mát, tích cực lan tỏa tới các vận động viên chuẩn bị hành trình leo đỉnh Tà Chì Nhù.
Hơn 100 nhà báo đã tham gia Giải leo núi "Bước chân trên mây" - chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. |
7h15p, lệnh xuất phát bắt đầu. Ban tổ chức đã tính toán rất kỹ khi chọn cung đường khởi động – một cung đường khá dốc, quanh co, đá nhỏ lổn nhổn. Cung đường chỉ vài chục m, nhưng như một phép thử, đủ để các vận động viên tự đo lường được sức khỏe của mình.
Ông Khang A Chua - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu tham gia hành trình leo núi "Bước chân trên mây" |
Thiên nhiên cũng khéo xếp đặt. Cứ sau một cung đường hiểm trở dốc đá, lại là mướt mát những màu xanh. Có đoạn dốc dựng đứng, đầu người đi sau chạm gót giày người đi trước. Có đoạn một bên là vách núi, một bên là thăm thẳm vực sâu, lúc lại là đoạn để lữ khách thong dong như đi tản bộ với tiếng róc rách của suối, tiếng reo của lá, tiếng vi vút của gió, của lá rừng đại ngàn. Có đoạn đi dưới rừng già tán rộng, đoạn lại len lỏi trong rừng trúc thân nhỏ. Có khi là cung đường căng thẳng đến nghẹt thở, đá nhọn gập ghềnh, lúc lại như được bước chân trên thềm lâu đài cổ tích phủ đầy rêu, êm mượt như nhung…
Một đoạn hành trình chinh phục đỉnh tà Chì Nhù |
Càng lên cao, mức độ nguy hiểm càng lớn. Cung đường gần tới đỉnh núi được ví như sống lưng khủng long gió lộng, hai bên đều là vực sâu hun hút, chỉ có một lối mòn vài chục cm ở giữa. Khi nhóm gần cuối cùng của chúng tôi lên đến điểm cách đỉnh núi 1,5km, trời đã về chiều, khung cảnh rất liêu trai với những triền núi toàn đá nhọn, và những gốc cây là tàn tích của vụ cháy rừng để lại. Đâu đó, tiếng dê con nhớ bầy như tiếng trẻ con khóc, khiến các nữ nhà báo đang có con nhỏ chợt trùng chân…
Cung đường hiểm trở trong hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù |
Khi chúng ta có nhau
Hơn 100 thành viên trong đoàn leo núi "Bước chân trên mây - chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù" đa số chưa quen biết nhau, nhưng khi vào chung một cung đường, chúng tôi đều là “đồng đội”. Chia nhau những ngụm nước, san sẻ cho nhau chiếc găng tay, đỡ nhau qua những cung đường hiểm trở. Phần lớn thành viên trong đoàn đều đặt ra mục tiêu cho chính mình. Mục tiêu đó không phải là giải thưởng, là thứ hạng cuộc đua, mà là vượt qua chính mình, vượt qua trở ngại tự đặt ra cho mình, quyết tâm một lần chinh phục đỉnh núi.
Có thoáng chốc nào, ai đó bỗng tụt lại phía sau, khi ngẩng lên, sẽ thấy bóng áo đỏ của đồng nghiệp mình lẫn trong màu lá xanh, trong cung đường vắt vẻo phía trước, hay tiếng hát, tiếng nói chuyện rì rầm, chợt nhận ra trong chốn xa lạ này, mình không cô đơn.
"Bóng áo đỏ của đồng nghiệp mình lẫn trong màu lá xanh, trong cung đường vắt vẻo phía trước" |
Vì sức không đồng đều, nên đa số các vận động viên sẽ tự “bắt sóng” với những người ngang sức mình để cùng đồng hành lên đỉnh.
Tuy nhiên, cũng có những người sẵn sàng hy sinh cơ hội giành giải thưởng, khi bên họ có rất nhiều niềm vui.
Bởi thế, Bình - nữ phóng viên ở Truyền hình TTXVN dù rất quen sức chạy đường dài, nhưng lại về đích trong nhóm cuối, vì còn “kèm cặp” một vận động viên… quen đi chậm; Là Nghĩa – Nam phóng viên báo Pháp luật Việt Nam - chần chừ trên đỉnh núi để chờ bà chị yếu nhất đoàn lại kém mắt, vì sợ bóng tối sập đến, chị sẽ gặp nguy hiểm trên đường. “May mà em đã được một chị chia sẻ cho chiếc đèn pin khi em đi lên, còn chị đi xuống.” – Nghĩa tâm sự khi về đến lán nghỉ lúc màn đêm đã phủ kín.
Hay một vài chàng trai sức dài vai rộng ở Phapluatmedia lại không thể leo lên tới đỉnh vì vừa đi vừa đỡ các đồng nghiệp chân yếu tay mềm, đến mức làm lỡ cả hành trình của mình.
Ở cung đường chỉ có trời mây, gió ngàn và vực thẳm, tình thân trở nên quý giá biết bao |
Là Thanh Tâm (Doanhnhanphapluat) dù đi leo núi bằng “dáng của bà cụ” vì quá mệt, nhưng vẫn giữ nhiệt huyết, luôn sẵn sàng trao tặng đồng nghiệp những lời động viên tràn đầy năng lượng tích cực;
Là nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền - Báo Yên Bái – dù cao tuổi nhất cuộc thi, nhưng mang theo lỉnh kỉnh các loại máy ảnh, ống kính, quyết không để bỏ phí những khoảng khắc tuyệt vời của thiên nhiên, của đồng nghiệp;
Là em MC đẹp trai "Bình Bong" của Truyền hình Yên Bái, dù rất mệt nhưng luôn hồ hởi phục vụ các đồng nghiệp ghi lại những khoảng khắc đẹp trên con đường chinh phục đỉnh núi;
Là một cô phóng viên xinh đẹp của PhapluatMedia sẵn sàng bỏ cuộc đua để dừng lại hỗ trợ một nữ đồng nghiệp bị choáng khi chưa quen với độ cao: "Em là người của Pháp luật Việt Nam, các anh chị cứ đi, em sẽ ở lại với chị ấy." (Rất may chúng tôi không phải áy náy nhiều, khi qua bộ đàm cho biết, người đồng nghiệp tốt bụng đó chỉ một thời gian ngắn sau cũng đã kịp nhập cuộc cùng đoàn.)
Là nữ nhà báo Nguyệt Thương (Pháp luật chủ nhật) người khiến chúng tôi phải nể phục khi cứ từng bước chậm rãi, nhưng đã đạt được mục tiêu tự đặt ra cho mình: Lên đỉnh núi ngắm hoa Chi Pâu, "không để dấu tay lên áo ai,không để dấu tay ai trên áo mình" - chị tự mình vượt qua những cung đường khó khăn nhất mà không cần sự hỗ trợ của đồng đội.... Cũng chính nhà báo Nguyệt Thương, khi xuống đến chân núi, đã tặng lại đôi ủng theo mình suốt hành trình, cho một phụ nữ người Mông đi cùng đoàn, khi thấy người phụ nữ đó dùng đôi dép tổ ong mòn vẹt để leo núi suốt hai ngày liền.
Nữ nhà báo Nguyệt Thương trên đỉnh Tà Chì Nhù với gùi hoa Chi Pâu |
Ở cung đường chỉ có trời mây, gió ngàn và vực thẳm, tình thân trở nên quý giá biết bao. Cái cảm giác lo lắng đến nghẹt thở khi nghe trong bộ đàm có người dừng lại giữa đường; Rồi cái cảm giác phát hiện ở cung đường xa xa có tiếng cười nói của đồng nghiệp mình… ôi chao là hạnh phúc!
“Ô, chị VT à, có phải chị không, chị cố lên chị ơi, sắp lên tới đỉnh rồi!” “T à, lo quá, suốt chặng đường không thấy em đâu!” “Có phải anh SB không? Mừng quá, em cứ nghĩ anh phải nghỉ giữa chừng rồi!”...
Chúng tôi đã nghe được những tiếng reo vui như thế trên con đường chinh phục đỉnh cao của mình.
Dù mục tiêu là chinh phục đỉnh cao, nhưng không thể bỏ lỡ khung hình đẹp. |
Và dù Ban tổ chức có khuyến cáo: “Chặng lên, các anh chị chú ý vào đường đi để đạt thành tích tối ưu nhất, chặng về tha hồ chụp ảnh”, thì phần đông thành viên trong đoàn đều... tay gậy tay máy ảnh. Có lẽ cũng bởi bản năng nghề nghiệp, nên không muốn bỏ sót bất kỳ một góc nhìn lạ lẫm, đẹp đẽ nào để sau cuộc hành trình, các nhà báo chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh lan tỏa vẻ đẹp đó tới độc giả: Vẻ đẹp của Tà Chì Nhù – nóc nhà Yên Bái – vẻ đẹp của một phần non sống gấm vóc Việt Nam.
Không quên chụp ảnh dọc hành trình chinh phục đỉnh cao. |
Những nguồn "doping" tiếp sức
Đồng hành với chúng tôi – hơn 100 nhà báo - trên cung đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, là những chiến sỹ quân đội, an ninh, cảnh sát, cán bộ y tế... của huyện Trạm Tấu, những người giữ an toàn cho suốt hành trình từ nơi nghỉ của đoàn lên đến đỉnh núi. Trên cung đường từ chân núi lên đến đỉnh, có 5 trạm dừng nghỉ. Ở mỗi nơi, đều có đầy đủ các thành phần túc trực.
Các anh không chỉ tiếp cho chúng tôi mấy món đồ ăn nhẹ, chai nước, hay chăm sóc những vận động viên cần sự giúp đỡ y tế. Các anh còn có tình thần lạc quan, sự an ủi rất đúng lúc - một liều thuốc tinh thần cực kỳ quan trọng để các vận động viên khí thế hơn trên hành trình của mình.
Giám đốc Công ty Hưng Việt tặng kỷ niệm chương ghi nhận sự đóng góp của những người làm công tác hỗ trợ, giữ an toàn cho hành trình của đoàn leo núi. |
Câu chào hỏi thường xuyên của các vận động viên tới mỗi điểm dừng sẽ là “sắp đến nơi chưa anh?”. Chúng tôi luôn nhận được câu trả lời: “Còn đoạn nữa thôi, cố lên!” “Còn 2km nữa thôi” “500m nữa thôi!” (Dù quãng đường thực tế dài hơn rất nhiều).
Điều thú vị là, sự “thiếu thành thật” rất đúng lúc của các anh chính là một nguồn "doping" cho chúng tôi – những vận động viên nghiệp dư lần đầu leo núi.
Bản thân tôi, khi đi tới trạm dừng chân quá nửa chặng đường, anh cán bộ huyện Trạm Tấu hồ hởi chạy ra: Chị số báo danh bao nhiêu, chúc mừng chị đã là người thứ 7… À mà không! Chúc mừng chị đang tiến gần tới đích. Cơ hội giành giải vẫn còn. Cố lên, cố lên chị!”
Cái đuôi số 7 kịp dừng lại trong miệng anh cán bộ cũng giúp tôi đủ hiểu đã có hơn 70/ 100 vận động viên đã lên tới điểm này. Nhưng sự hài hước và lời động viên của anh cán bộ cũng khiến tôi thấy mình không thể phụ tấm lòng ấy, mà phải cố gắng lên thôi!
Hơn 60 porter là người địa phương đã hiền lành, lặng lẽ hỗ trợ đoàn. |
Chuyến leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù của hơn 100 nhà báo còn có sự đóng góp không nhỏ của các hướng dẫn viên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, và những Porter (người hỗ trợ) là người dân tộc ở địa phương. Họ lặng lẽ đi bên cạnh chúng tôi – sẵn sàng đưa bàn tay để chúng tôi nắm khi cần. Họ đứng bên những cung đường hiểm trở một cách vững chãi để chúng tôi yên tâm…. Họ cũng sẵn sàng cất lên những điệu khèn Mông vang vọng khắp núi ở giữa mây ngàn, để hành trình mệt nhọc của các nhà báo bỗng nhiên nhẹ tênh như khúc tình ca đại ngàn.
Trên đường xuống núi của tôi, có một em porter chậm rãi đi theo. Mặc dù 10 bước của tôi mới bằng một cú nhảy của chàng người Mông quen đường núi, em vẫn nhẫn nại đi cùng. Em xách balo cho tôi, kể cho tôi những câu chuyện về đỉnh núi này, đỉnh núi kia của địa phương, tên của những loài cây lạ, dẫn dắt tôi cách đi an toàn như một người dẫn đường chuyên nghiệp, chụp ảnh cho tôi khi đi qua những đoạn đường đẹp…
Khi tôi đã xuống núi an toàn, em nhanh chóng lẫn vào dòng người không một lời từ biệt. Níu kéo, đùn đẩy mãi em mới chịu nhận một chút quà về cho các con. Trước đó, theo lời kể của em, em không được đào tạo về hướng dẫn du lịch, chỉ tham gia trong hợp tác xã du lịch của Trạm Tấu. Khi nào có khách đông, em mới tham gia cùng đoàn. Một chuyến đi 2 ngày 1 đêm như thế này cũng giúp em có thêm chút tiền lo gia đình.
Những chàng trai, cô gái người Mông đã trở thành bạn đồng hành tin cậy, an toàn cho các vận động viên. |
Theo lời của anh Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, hành trình "Bước chân trên mây - chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù" huy động khoảng 60 porter là người địa phương. Họ đã đưa lên đỉnh núi các loại thực phẩm cơ bản để phục vụ bữa tối cho cả đoàn và góp phần hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho thành viên trong đoàn. Hơn 60 con người hiền lành, lặng lẽ, không hề có một lời chèo kéo, mời mọc phiền hà du khách – điều mà chúng ta vẫn ái ngại phải chứng kiến khi đến các điểm du lịch.
Nhà báo Trần Ngọc Hà -Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chụp ảnh cùng một em bé Trạm Tấu ngồi bán nước trên vệ đường. |
Ông Khang A Chua – Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - không giấu nổi tự hào, tâm sự với chúng tôi: "Những đội ngũ porter đồng hành với đoàn hôm nay hoàn toàn là những người nghiệp dư, được lấy từ dân địa phương, họ chỉ được qua tập huấn cơ bản, nhưng họ đã đón tiếp và tham gia hành trình với đoàn bằng sự nồng hậu, chân chất của người dân Trạm Tấu. Du lịch đến với Trạm Tấu đã phần nào thay đổi đời sống của người dân nơi này. Những em bé cũng có thể tham gia dịch vụ du lịch bằng việc bán những chai nước ngọt. Chúng tôi sẽ nhất định giữ bản sắc của đất và người Trạm Tấu, theo đúng tinh thần “Trạm Tấu - Điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng”, nhất định không để du khách phải hối tiếc khi đến đây."
VĐV chụp ảnh cùng đàn "ngựa trời" và mênh mông hoa "Chi Pâu" |
Nguồn "doping" ấy của chúng tôi, còn là những đàn ngựa trời thẩn thơ gặm cỏ giữa lưng chừng trời, là những triền núi hoa Mật rồng (hoa Chi Pâu) phủ tràn như bất tận; là dòng nước khoáng ấm nóng chảy ra từ mạch nguồn của Trạm Tấu khiến chúng tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau cuộc hành trình…
Dòng nước khoáng ấm nóng chảy ra từ mạch nguồn của Trạm Tấu tại HTX Suối khoáng nóng Cường Hải khiến chúng tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau cuộc hành trình… |
Khép lại hành trình, mở ra những niềm vui
Bước chân trên mây chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù đã khép lại với tràng vỗ tay vang dội trong đêm Gala trao giải tổng kết chương trình được tổ chức ở Khu suối khoáng nóng Trạm Tấu – HTX Suối khoáng nóng Cường Hải.
Ông Vũ Lê Chung Anh Phó Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu và Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trao giải Nhất cho 2 vận động viên. |
Những kỷ lục của chương trình như thành tích về đích sớm nhất khi chỉ mất có hơn 2h đồng hồ của nhà vô địch Nam – nhà báo Phạm Minh Thành – người trước đây chưa từng thi đấu một giải leo núi nào; VĐV Trần Thu Trang đoạt giải Nhất của nữ về thứ 09 chung cuộc, chỉ xếp sau 08 vận động viên nam… chỉ là thành công mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy.
Thành công lớn hơn từ giải leo núi này là những trải nghiệm những xúc cảm, những suy ngẫm mà hơn 100 nhà báo chúng tôi đã có được sau hành trình đến với Tà Chì Nhù. Trong đó, ắt hẳn sẽ không chỉ dừng lại ở những bài báo lan tỏa thông tin về một vùng đất đẹp đẽ trong lành, những con người hồn hậu... mà sẽ có không ít những phóng viên mong muốn được làm điều gì đó hiện hữu hơn cho vùng đất này.
Niềm vui khi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù |
Ví như Mỵ Châu – cô phóng viên xinh đẹp, có tiếng cười “vang rừng núi” của Pháp luật Việt Nam – người được giải khuyến khích dành cho nữ– đã bày tỏ với ông Khang A Chua - vị phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu: Anh giới thiệu cho em một điểm trường, số tiền giải thưởng của em, em sẽ xây dựng cho các em bé một thư viện nho nhỏ...
Thành công ấy, cũng có thể là tiếng reo vui trong lòng chúng tôi khi anh giám đốc Công ty Hưng Việt vừa thông báo trước khi bài viết này lên trang: "Sau khi tổ chức giải leo núi “Bước chân trên mây” thành công, số lượng khách lên Trạm Tấu tăng vọt, đặc biệt là đi leo Tà Chì Nhù ngắm hoa Chi Pâu và săn mây... "
Mời độc giả cùng ngắm lại những khoảnh khắc trên cung đường săn mây, chinh phục đỉnh cao, của các nhà báo tham gia giải leo núi "Bước chân trên mây - Tà Chì Nhù". Những bức ảnh không cần chú thích, bởi bối cảnh, nét mặt nhân vật đã nói lên tất cả niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi: