Bước ngoặt mới tác động tới hàng trăm triệu người Đông Nam Á

(PLO) - Năm 2015 có thể coi là năm bản lề để khu vực Đông Nam Á tạo ra một cuộc chuyển mình lịch sử. Đặc biệt, việc hình thành một Cộng đồng chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ hôm nay – 31/12/2015 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết sâu rộng của khu vực, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng”.
Các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 ngày 22/11
Các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 ngày 22/11
Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 được các nhà lãnh đạo ASEAN ký ngày 22/11 vừa qua là một tuyên bố mang tầm lịch sử, khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội. 
Bước ngoặt lịch sử mới
Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một Cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). 
Cộng đồng ASEAN ra đời cũng có nghĩa 10 nước Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Lào và Campuchia) sẽ là thị trường chung, rộng lớn. ASEAN đã phát triển về quy mô và nâng tầm ảnh hưởng kể từ khi ra đời vào năm 1967 và nay toàn Hiệp hội có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.500 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 1.200 tỷ USD.
Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 đã thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên. 
ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. 
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như: tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại,... 
Tăng sức cạnh tranh
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu xuống dốc, AEC được đánh giá là một chương trình hội nhập kinh tế đầy hứa hẹn, mở ra một khoảng không khổng lồ cho hợp tác kinh tế nội khối cũng như giữa ASEAN với bên ngoài, đồng thời giúp Hiệp hội tăng sức cạnh tranh về mặt kinh tế với các cường quốc. 
Về khía cạnh mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đẩy mạnh triển khai các FTA với 6 đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, đồng thời tích cực đàm phán xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm tạo ra một không gian kinh tế mở ở Đông Á. 
Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nền kinh tế ASEAN sẽ đạt tăng trưởng dự kiến 5,6%/năm cho tới năm 2019, và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực sẽ tiếp tục tăng. 
Ông Najib Razak khẳng định, các nền kinh tế thành viên sẽ tăng trưởng bền vững, mang lại sự thịnh vượng và nâng cao đời sống mọi người dân. Thủ tướng Malaysia cho rằng, AEC sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh tế và việc làm trong ASEAN, giúp Hiệp hội tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư và doanh nhân quốc tế.
Theo Báo cáo Hội nhập ASEAN (AIR), tăng trưởng kinh tế của ASEAN sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,3% trong năm 2015, giảm nhẹ so với mức 3,4% của năm 2014, thì nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ giữ được đà tăng trưởng như năm 2014 là 4,6% và sẽ tăng mạnh hơn vào năm 2016 với mức tăng 4,9%. 
Hội nhập kinh tế khu vực sẽ tiếp tục góp phần đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Dự báo sau năm 2015, toàn cảnh kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục biến đổi để vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu. 
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed cho biết, ASEAN đã đạt tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh trong hai thập niên qua, giảm bớt các rào cản góp phần thúc đẩy cả thương mại và đầu tư. Năm 2014, ASEAN đã thu hút 136 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vượt qua Trung Quốc, trong đó đầu tư nội khối ASEAN đóng góp khoảng 20%. Triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của ASEAN vẫn đầy hứa hẹn. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng khẳng định, ASEAN hiện được coi là “điểm đến đầu tư hàng đầu”. 
Còn các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng ANZ (có trụ sở tại Australia) thì cho rằng, với giá nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược của Myanmar, Campuchia và Lào, khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà sản xuất, và trong 10 - 15 năm tới sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành “công xưởng của thế giới’’ với lợi thế lao động giá rẻ và dồi dào ở các khu vực. 
Việc chuyển đổi sẽ là một phần của sự phát triển của ASEAN để trở thành “trụ cột thứ ba’’ cho tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đến năm 2030, hơn một nửa trong số 630 triệu người ở khu vực Đông Nam Á sẽ ở độ tuổi dưới 30, là một phần của tầng lớp trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng cao. 
Cộng đồng ASEAN – Mô hình liên kết sâu rộng, đồng thuận của 10 quốc gia thành viên
Cộng đồng ASEAN – Mô hình liên kết sâu rộng, đồng thuận của 10 quốc gia thành viên 
Ổn định và 
phát triển chung
Sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia thành viên luôn là gốc rễ cho thịnh vượng chung của ASEAN. 
Ngày 15/10, lần đầu tiên kể từ khi Myanmar tuyên bố độc lập năm 1948, chính phủ và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA), hướng tới kết thúc hơn 60 năm xung đột dân sự, mở đường xây dựng hòa bình, góp phần tăng cường ổn định và phát triển tại quốc gia Đông Nam Á này. 
Ngay sau Thỏa thuận NCA, Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà San Suu Kyi (Xan Xu Chi) lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 11 vừa qua, và cùng với đó là việc sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của Myanmar chính thức “lên sóng”. Đây được coi là những tiền đề thuận lợi để Myanmar tiếp tục phát triển đất nước. 
Trong khi đó tại Singapore, Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp tục giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 11/9 cho thấy PAP vẫn được người dân “Đảo quốc Sư tử” đặt trọn niềm tin để đưa quốc gia này gặt hái thêm nhiều thành công trong vòng 50 năm tới.
Những sự kiện mang tính bước ngoặt trên không chỉ mở đường cho tiến trình hòa giải dân tộc, chuyển giao chính trị tại Myanmar hay mục tiêu phát triển kinh tế dài hơi ở Singapore mà còn khiến cảm giác hồ hởi, tự tin lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á với tổng dân số khoảng 630 triệu người.
Bình tĩnh trước thách thức
Tuy nhiên, trước mắt khu vực Đông Nam Á không chỉ toàn màu hồng. Những khác biệt về hệ thống chính trị, mức độ phát triển giữa các nước thành viên, sự tác động, co kéo từ bên ngoài vẫn đang là lực cản đối với nỗ lực duy trì sự gắn bó, đoàn kết chung của cả khu vực. Bên cạnh đó, những bất ổn an ninh ở Thái Lan hay thông tin về việc “cơn gió đen” mang tên tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nhen nhóm tràn vào Đông Nam Á đã từng khiến không ít người phải giật mình.
Về kinh tế, đối với nhiều mặt hàng thuộc danh mục “nhạy cảm”, thuế suất chưa được hài hòa hóa. Trong hầu hết các trường hợp, tiến trình hình thành AEC phụ thuộc rất nhiều vào những cải cách trong nước của các quốc gia thành viên trong xử lý các vấn đề hậu cần. Hơn nữa, nguồn vốn FDI vào ASEAN còn gặp nhiều trở ngại do chính sách FDI, cả về quy định cũng như trong thực hiện. 
Đặc biệt, quy trình kiểm tra và thẩm định là một trong những trở ngại lớn vì những thủ tục này thường thiếu minh bạch và phức tạp, trong khi còn có những bất cập về thể chế, cả ở cấp độ khu vực và quốc gia. Những thể chế khu vực mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ hội nhập thực tế. 
Đó là còn chưa kể việc AEC chưa “hội nhập” các lĩnh vực mang tính “nhạy cảm” như mở cửa ngành nông nghiệp, chế tạo ô tô và các ngành mang tính bảo hộ khác cũng như còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các nước về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, cơ cấu nhân chủng học... cũng là những thách thức không nhỏ. 
Các nhà phân tích cho rằng, AEC còn phải vượt qua một quãng đường dài để trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn thiện và hiệu quả. Còn nhiều trở ngại do ASEAN là một tập hợp nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như theo những chế độ chính trị khác nhau. Vượt qua sự khác biệt này để xây dựng một cộng đồng thống nhất là một công cuộc đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều quốc gia. 
Việc tuyên bố thành lập AEC vừa qua không chỉ là đạt được một mục tiêu mà còn là khởi đầu của một tiến trình hội nhập mới. Mặc dù vậy, việc Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ hôm nay đã khiến cho mọi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong khu vực có thêm nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp có trong “giấc mơ thịnh vượng” ở Đông Nam Á…