Cận tết, lại lo chuyện “giải cứu” dưa hấu

(PLO) - Cứ đến vụ dưa hấu là lại có hiện tượng ùn ứ hàng trăm xe chở dưa ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Thậm chí, có thời điểm dưa ùn đến vài ngày, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Đưa doanh nghiệp đầu mối về thu mua dưa cho bà con nông dân để tránh bị thương lái ép giá
Đưa doanh nghiệp đầu mối về thu mua dưa cho bà con nông dân để tránh bị thương lái ép giá
Tắc vì một đường 
Năm nay, tổng sản lượng dưa hấu dự kiến của mùa vụ 2015 - 2016 không biến động nhiều so với năm ngoái (ước đạt khoảng 1,5 triệu tấn), trong đó riêng vụ Đông – Xuân này khoảng 550 nghìn tấn, ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 ngàn tấn. 
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, dưa hấu tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, còn lại phải xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia; trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% tổng sản lượng dưa xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu diễn ra vào thời điểm cận tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch  (từ giữa tháng 3 đến trung tuần tháng 4 hàng năm) và “điểm nóng” xuất khẩu hàng năm luôn xuất hiện ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cứ vào vụ dưa hấu là lại có hiện tượng hàng trăm xe nối đuôi nhau ùn tắc ở Cửa khẩu Tân Thanh. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc chỉ cho tiếp nhận dưa hấu ở cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, không cho tiếp nhận dưa hấu tại các cửa khẩu khác, trong khi bến bãi ở khu vực này chỉ đáp ứng được khoảng vài trăm xe/ngày. 
Doanh nghiệp đầu mối phải giúp nông dân
Khắc phục việc này, Liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản hướng dẫn cũng như khuyến nghị các địa phương có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác cho phù hợp, theo hướng căn cứ vào nhu cầu thị trường để cân đối cho phù hợp; ngay cả thời điểm gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển 
cũng phải dựa trên thực tế của việc thông quan và yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trên thực tế do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được những yêu cầu nói trên mà mang nặng tính tự phát nhiều hơn. Do vậy, các sản phẩm nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ thường rơi vào tình trạng phải “kêu cứu”...
Liên quan vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kiến nghị cần ưu tiên hỗ trợ các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản dưa hấu; đồng thời sớm xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu tại Lạng Sơn làm địa điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều; đề nghị phía Tổng cục Hải quan bố trí lực lượng để hỗ trợ Lạng Sơn cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian thông quan tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đối với dưa hấu mùa vụ 2015-2016. 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phía Trung Quốc luôn tỏ ý sẵn sàng đàm phán và chia sẻ với Việt Nam về việc từng bước cân bằng nhập siêu. Với chuyện ùn tắc tại cửa khẩu, ông cho biết Bộ Công Thương phải xúc tiến đàm phán mở thêm các điểm thông quan mới, ít nhất khu vực Lào Cai có thể mở được.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đang có nhiều biện pháp chấn chỉnh, trong đó có việc cân đối giữa cung - cầu sản xuất và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa với xuất khẩu. Bộ này đánh giá thực tế thị trường nội địa cũng có nhu cầu rất lớn nhưng do sự thiếu vắng của hệ thống các doanh nghiệp và hệ thống phân phối trên thị trường nội địa với cơ sở hạ tầng quá yếu đã làm giảm khả năng tiêu thụ mặt hàng nông sản này. 
Đàm phán mở thêm điểm thông quan dưa 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phía Trung Quốc luôn tỏ ý sẵn sàng đàm phán và chia sẻ với Việt Nam về việc từng bước cân bằng nhập siêu. Với chuyện ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương phải xúc tiến đàm phán mở thêm các điểm thông quan mới, ít nhất là ở khu vực Lào Cai có thể mở được.

Đọc thêm