Dự án nghe giống như bộ phim khoa học viễn tưởng song các nhà khoa học đang tiến gần sát đến kịch bản hoàn toàn thực tế với nguyên mẫu robot đang thử nghiệm trong một bệnh viện ở Ba Lan.
Thăm khám bệnh nhân cách xa hàng trăm km
Nữ giáo sư Angelika Peer, nhà nghiên cứu robot Đại học West of England (UWE) ở Bristol (Anh), giải thích: “Robot được trang bị cảm biến lực, độ ẩm và nhiệt độ. Robot bắt mạch bệnh nhân và gửi toàn bộ thông tin đến cho bác sĩ ở cách xa hàng trăm km”.
Giáo sư Peer là điều phối viên cho dự án “bác sĩ robot” được kiểm soát từ xa gọi là ReMeDi do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Mặc dù đang ngồi ở khoảng cách rất xa, bác sĩ vẫn cảm nhận được độ cứng phần bụng bệnh nhân khi thăm khám nhờ cánh tay robot được phủ lớp da thiết kế đặc biệt tạo nên “xúc giác” giống như con người.
Trong lúc thử nghiệm, bác sĩ ngồi đối diện ba màn hình. Màn hình thứ nhất hiển thị bàn tay bác sĩ khám từ xa cho bệnh nhân, trong khi trò chuyện với bệnh nhân qua màn hình thứ hai. Màn hình thứ ba cho thấy khả năng chẩn đoán bằng siêu âm của bác sĩ robot - kỹ thuật y khoa gửi xung âm thanh vào cơ thể bệnh nhân để tương tác với các mô.
Đây là kỹ thuật thường được sử dụng đối với thai phụ. Siêu âm cũng rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh các cơ quan như là tim, gan, thận hay lá lách cũng như dò tìm một số dạng ung thư.
Sử dụng robot giúp bác sĩ khám, chữa bệnh từ xa |
Giáo sư Angelika Peer cho biết: “Robot cho phép bác sĩ có đủ thông tin để đánh giá sơ bộ về tình trạng bệnh nhân từ xa và từ đó có quyết định chuyển đến bệnh viện hay có thể điều trị tại nhà”. Dự án ReMeDi giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn đồng thời tiết kiệm được thời gian dò tìm bệnh cho bệnh nhân cũng như bệnh viện.
Giáo sư George Crooks, giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe và Y tế từ xa Scotland (Anh), bình luận: “Chúng ta cần phải thay đổi cách chẩn đoán và điều trị trong thời đại công nghệ phát triển thần tốc như hiện nay. Robot chính là biện pháp cách mạng giúp chẩn đoán bệnh nhanh hơn và từ đó cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn”.
Một dự án y khoa khác cũng do EU tài trợ, gọi là United4Health (U4H), cũng sử dụng công nghệ chẩn đoán hay điều trị bệnh nhân từ xa. Cụ thể, U4H cung cấp các dịch vụ y tế thông qua smartphone, web và truyền hình số. U4H là giải pháp cốt yếu khi châu Âu đang đối mặt với dân số già hóa và một số vấn đề y khoa như đái tháo đường và bệnh tim.
Với sự hỗ trợ từ U4H, bệnh nhân có thể tự xử lý vấn đề trong khi chờ được gặp bác sĩ. Những bệnh nhân tim được cung cấp thiết bị theo dõi tình trạng hoạt động của tim và gửi dữ liệu đến bệnh viện cho bác sĩ phân tích. Một số nghiên cứu cho thấy U4H giúp giảm tỷ lệ tử vong nơi bệnh nhân tim.
Hiện nay, dự án U4H được triển khai thử nghiệm tại 14 khu vực ở nước Anh hỗ trợ cho những bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đối với bệnh nhân đái tháo đường, họ sử dụng tin nhắn để liên lạc thường xuyên với bệnh viện. Về phần COPD, một số bệnh nhân sử dụng công nghệ tư vấn video.
Giáo sư Crooks phân tích: “Công nghệ cho phép bệnh nhân theo dõi các thông số cơ thể cá nhân như là tình trạng nồng độ đường huyết đối với bệnh đái tháo đường để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ không có nghĩa là bệnh nhân không cần đến bác sĩ nhưng giúp hạn chế số lần khám bệnh.
Thay vì gặp bác sĩ 7 - 8 lần trong năm thì công nghệ cho phép giảm số lần xuống còn 1 - 2. Thêm vào đó, bệnh nhân còn tiết kiệm được tiền bạc đáng kể”.
Ngày càng tinh vi điêu luyện
Trước đó, Mỹ cũng ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến robot khám bệnh từ xa. Nhờ sự có mặt của các “đồng nghiệp” bằng kim loại, các bác sĩ khi không đến được bệnh viện có thể ngồi tại nhà hay đâu đó mà điều khiển mọi hoạt động của bác sĩ robot như chỉ đường cho bác sĩ robot đi thăm phòng bệnh, giám sát những phòng có bệnh nhân nặng cần chăm sóc kỹ lưỡng và hội ý bàn bạc với các bác sĩ điều trị khác thông qua hệ thống liên lạc video nhiều chiều.
Các bác sĩ robot này cũng được kết nối vào hệ thống mạng nội bộ. Khi được đồng nghiệp “nhờ” đi “thăm” bệnh nhân, bác sĩ robot có thể phải thực hiện cả những việc như kê toa thuốc hoặc xét nghiệm theo chỉ dẫn từ xa của bác sĩ “thật”.
Bác sĩ Asad Chaudhary, chuyên gia thần kinh thuộc một bệnh viện ở California, hiện tại sẽ không cần phải trực tiếp đến khám cho bệnh nhân mà vẫn có thể kiểm soát bệnh và tương tác với bệnh nhân thông qua robot khám bệnh từ xa.
Một cảnh thường thấy tại các bệnh viện hiện đại |
Thông qua màn hình gắn trên mặt robot, bác sĩ Chaudhary đang khám bệnh cho bà Linda Frisk, một người mới bị đột quỵ. Bác sĩ Chaudhary đã yêu cầu bà Frisk mỉm cười, mở, nhắm mắt lại, nắm tay, nâng cánh tay và chân của mình để kiểm tra hoạt động bệnh thần kinh của bà.
“Robot điều khiển từ xa khiến tôi có cảm giác như đang được bác sĩ Chaudhary khám bệnh ngay trước mặt”, bà Linda Frisk, bệnh nhân đột quỵ cho biết.
Với chức năng tự lái, robot điều khiển từ xa có thể dễ dàng di chuyển đến vị trí của bệnh nhân. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của hệ thống cảm biến, robot có thể di chuyển mà không va vào người bệnh hay vượt qua các chướng ngại vật trên đường mà robot đi qua.
Đối với các bác sĩ, chỉ cần dùng máy tính xách tay hoặc máy tính bảng có cài phần mềm sử dụng robot khám bệnh từ xa là có thể khám bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ Asad Chaudhary, chuyên gia thần kinh cho hay: “Robot giúp chúng tôi khám bệnh cho bệnh nhân rất nhanh. Nhất là đối với bệnh nhân bị nghi ngờ đột quỵ, điều này rất quan trọng, bởi mỗi phút phát hiện sớm sẽ rất quan trọng để ngăn ngừa những tổn thương nghiêm trọng ở não”.
Hiện nhiều địa phương ở vùng xa xôi ở California, Mỹ đã bắt đầu đưa vào sử dụng loại robot khám bệnh từ xa nhằm hỗ trợ điều trị bệnh đối với các bệnh nhân ở vùng xa xôi, nơi đội ngũ y bác sĩ còn thiếu hụt, chưa có cơ hội được khám chữa bệnh.
Sử dụng robot trong lĩnh vực y khoa càng ngày càng trở nên phổ biến. Hơn 35 bệnh viện ở Mỹ đang sử dụng cùng một loại robot giống như của Bệnh viện Johns Hopkins với giá 120 ngàn USD một con hoặc thuê với giá bốn ngàn USD một tháng. Với năm ngàn USD, các bác sĩ có thể lắp đặt một trạm điều khiển ở ngay phòng làm việc, tại nhà hoặc ở phòng khám.
Các robot – nhân viên y tế này cũng ngày càng trở nên tinh vi, điêu luyện hơn. Một số robot hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật thực hiện thao tác, đặc biệt là những thao tác cần độ chính xác cao. Một số khác đi phân phát thuốc, chuyên chở vật dụng và thiết bị quanh bệnh viện...
Thậm chí còn có những robot chuyên dụng cực kỳ tinh vi như robot nano thường được đưa vào tĩnh mạch bệnh nhân giúp phân tích bệnh lý, phân phối thuốc men trong cơ thể, cọ rửa các mảng xơ vữa trong mạch máu hay vào những vũng dịch đọng trong mắt, trong tai, nhờ đó giúp chẩn đoán điều trị chính xác hơn.
Và kết quả, kể từ khi công nghệ kỹ thuật số hòa nhập với hoạt động của các bệnh viện ở Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân giảm, những sai sót trong lúc kê đơn thuốc cũng giảm. Chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân không ngừng được nâng lên trong khi lợi nhuận hoạt động của những bệnh viện này cũng tăng không ngừng.