Bước tiến dài tới “vạch đích” TPP

(PLO) - Cùng với Quyền thúc đẩy Thương mại, Dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ Thương mại, nhằm gia hạn chương trình hỗ trợ và đào tạo lại các lao động bị mất việc làm vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 25/6/2015 với 286 phiếu thuận và 138 phiếu chống. 
Sự kiện này là một cú huých quan trọng, tạo đà thuận lợi để Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến gần hơn tới vạch đích hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cánh cửa cuối cùng đã rộng mở để Tổng thống Barack Obama hoàn tất TPP
Cánh cửa cuối cùng đã rộng mở để
Tổng thống Barack Obama hoàn tất TPP 
Tạo đà thuận lợi
Trước đó một ngày, Dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ Thương mại (TAA) đã vượt qua “cửa ải” của Thượng viện Mỹ, với 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Với việc được phê chuẩn tại Hạ viện, văn kiện này sẽ được trình lên để Tổng thống Barack Obama ký ban hành thành luật. 
TAA được đính kèm vào Dự luật về Quyền thúc đẩy Thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh vốn đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Ông Obama từng tuyên bố sẽ chỉ ký ban hành nếu Quốc hội trình cả TPA và TAA.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, với bước tiến mới quan trọng này, cánh cửa cuối cùng đã rộng mở để Tổng thống Barack Obama hoàn tất TPP. Đây được coi là một trong những thắng lợi lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng - người coi TPP với 11 quốc gia khác và Hiệp định Đối tác và Đầu tư với Liên minh châu Âu (TTIP) là những ưu tiên cao.
Đối với Tổng thống Barack Obama, Dự luật Quyền đàm phán nhanh được coi là cực kỳ quan trọng trước khi tiến tới TPP và các thỏa thuận thương mại khác. TPA cho phép Nhà Trắng được toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các hiệp định thương mại quốc tế. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết mà không được điều chỉnh, sửa đổi các điều khoản này. Vì thế, TPA được coi là điều kiện tiên quyết để ký kết và triển khai TPP hay TTIP. 
Trước đó, TPA đã trải qua 6 tuần lễ giằng co trong Quốc hội Mỹ, hai lần bị bác bỏ bởi các nghị sĩ Đảng Dân chủ vì họ lo ngại các hiệp định tự do thương mại này sẽ làm cho người lao động Mỹ mất việc làm vào tay những đồng nghiệp ở các nền kinh tế đang phát triển. 
Trong các lần đăng đàn để thuyết phục Quốc hội thông qua TPA, người đứng đầu nước Mỹ không ngần ngại thừa nhận, bài toán việc làm cho người lao động tuy khó giải nhưng xu thế tất yếu của tự do thương mại và lợi ích từ TPP buộc nước Mỹ phải tham gia cuộc chơi này. 
Theo tính toán, nếu thông qua và triển khai TPP, TTIP, doanh nghiệp Mỹ sẽ thuận lợi tiếp cận thị trường lên tới 1,3 tỷ người, chiếm tới 60% GDP toàn cầu, giúp thúc đẩy xuất khẩu và khẳng định vai trò dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại. 
Bên cạnh đó, việc thông qua TPP cho phép Mỹ tiếp tục là người viết nên các quy tắc của kinh tế toàn cầu, trong một khu vực tự do thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc - quốc gia đang cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước những lợi ích quá lớn từ TPP, các nghị sĩ Đảng Dân chủ đã điều chỉnh TAA để hỗ trợ cho tiến trình hoàn tất đàm phán hiệp định này.
Các quốc gia tham gia Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP)
Các quốc gia tham gia
Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) 
Hy vọng …
Trong một tuyên bố phản ánh thái độ lạc quan sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman bày tỏ hy vọng sớm hoàn tất đàm phán về  TPP giữa Mỹ với 11 nước khác để trình lên Quốc hội Mỹ thông qua trước cuối năm 2015.
Phát biểu tại một diễn đàn do trang mạng “Politico.com” tổ chức tại thủ đô Washington, Đại diện Thương mại Mỹ Froman nêu rõ, tuy chưa ấn định thời điểm cụ thể nhưng mục tiêu của Mỹ là kết thúc đàm phán trong một thời gian ngắn nữa để có thể trình TPP lên Quốc hội phê chuẩn trước cuối năm 2015. 
Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, một số cuộc thương thảo sẽ diễn ra trong những ngày tới nhằm bảo đảm rằng “chúng ta đang trên đường hướng tới việc kết thúc đàm phán”. Một nguồn tin gần gũi với tiến trình đàm phán cho biết cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng các nước tham gia TPP được dự định vào tuần cuối của tháng Bảy này. 
Đề cập tới vấn đề quyền tiếp cận thị trường nông sản và thị trường ô tô giữa Mỹ và Nhật Bản vốn được coi là trở ngại lớn trong tiến trình đàm phán, Đại diện Thương mại Froman nêu rõ ông không nghĩ rằng đây là một vật cản đối với việc hoàn tất hiệp định. 
Theo lập luận của quan chức Nhà Trắng, “có nhiều cách tiếp cận các thị trường này mà không cần phải cắt giảm mọi dòng thuế xuống mức 0%”, trong đó giảm thuế và mở rộng hạn ngạch là hai hướng đi có thể xem xét. Với Quốc hội Mỹ, ông Froman bày tỏ lạc quan rằng TPP sẽ được phê chuẩn.
Nhưng, còn nhiều chông gai
Các cuộc đàm phán TPP được khởi động bắt đầu từ năm 2005. Hiệp định TPP, với mục tiêu ban đầu là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1/1/2006 và đến năm 2015 mức thuế suất sẽ là 0%. Thỏa thuận bao gồm các hoạt động trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền… 
Không chỉ giúp cho việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước được dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng. 
Đến nay, hiệp định này đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra vào cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng những trở ngại phía trước trên con đường tiến tới hoàn tất đàm phán TPP vẫn còn rất lớn. TPP, một trụ cột kinh tế trong chính sách xoay trục sang khu vực châu Á của ông Obama đã vấp phải sự chống đối từ chính các đồng minh thân cận trong Đảng Dân chủ. 
Bên chống đối TPP, trong đó có các liên đoàn lao động, các nhóm bảo vệ môi trường và tiêu dùng, cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn tới việc người lao động Mỹ mất việc làm và lương bổng giảm sút, trong khi không giúp ích nhiều để thúc đẩy việc bảo vệ các công nhân ở nước ngoài. 
Chính vì vậy, những người ủng hộ TPP đang lo ngại cuộc bỏ phiếu cuối cùng về hiệp định này không thể tiến hành trong năm nay, mà có thể bị đẩy lùi sang mùa bầu cử căng thẳng ở Mỹ vào năm 2016. Khi đó, sự phản đối từ nhiều phía có thể khiến chính sách tự do thương mại gặp những khó khăn lớn hơn. 
Trong khi đó, bản thân TPP cũng còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman và 11 Bộ trưởng Thương mại của các nước khác tham gia đàm phán có thể đặt bút ký vào hiệp định này. 
Tính tới thời điểm này, những vấn đề lớn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán TPP bao gồm: mức độ mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản, thời hạn bảo hộ cho thuốc gốc mới của các công ty dược phẩm, việc Canada bảo hộ thị trường sữa cùng một số thị trường khác của nước này… 
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu đàm phán TPP được hoàn tất vào tháng 7 tới, có thể sẽ mất 6 tháng hoặc hơn để thỏa thuận này được bỏ phiếu thông qua lần cuối ở Quốc hội. Khả năng các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu về TPP sớm nhất là vào mùa thu năm nay. 
Hầu hết doanh nghiệp lớn của Mỹ đều ủng hộ TPP, song các nhà sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa của nước này đang gây sức ép lên các nghị sĩ nhằm trì hoãn thông qua TPP. Lý do ở đây là TPP sẽ dẫn tới một làn sóng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các nước tham gia hiệp định.
Dẫu vậy, những lợi ích lớn lao về chính trị, ngoại giao mà TPP mang lại cho nước Mỹ cũng như các nước có liên quan là một cơ hội hiếm có. Nếu được sớm thông qua, hiệp định này không chỉ là dấu ấn kinh tế lớn của Tổng thống Barack Obama trước khi ông rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017 mà còn tạo nên một cơ sở lâu dài cho sự hợp tác chặt chẽ, lành mạnh và hiệu quả hơn giữa các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đọc thêm