Khách đến Việt Nam không biết chơi gì, tiêu gì?

(PLO) - Những người làm du lịch không khỏi lo lắng khi khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng này cũng là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6/2014. Như vậy, trái với kỳ vọng của ngành Du lịch, đà suy giảm khách quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Khách đến Việt Nam không biết chơi gì, tiêu gì?
Mất khách vì tăng trưởng nóng
Sự khai thác bừa bãi, cạn kiệt tài nguyên du lịch gắn với quá trình cạnh tranh và trách nhiệm của các bên không rõ ràng dẫn tới nguy cơ suy thoái nhanh giá trị của tài nguyên. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới môi trường du lịch nhiều nơi bị ô nhiễm, quá tải, thiếu quản lý do khai thác quá mức tài nguyên du lịch hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng. 
Tình trạng mất vệ sinh, mất an ninh trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xảy ra bên cạnh các tệ nạn ta-xi dù “chém khách”, hàng rong chèo kéo, đeo bám; một số dịch vụ lữ hành, khách sạn ở các địa phương vẫn diễn ra việc núp bóng, lừa đảo, ép giá khách, nhất là vào mùa cao điểm. 
Đây là hệ quả của tình trạng tăng trưởng du lịch nóng, phát triển không đồng đều ở một số địa phương, tạo ra sự mất cân đối cục bộ. Môi trường du lịch nhiều nơi bị ô nhiễm, quá tải, thiếu quản lý do khai thác quá mức tài nguyên du lịch hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Hiện tại trong số ít các sân bay quốc tế chỉ có Hà Nội và TP.HCM là 2 cửa ngõ chính đón khách quốc tế bằng đường không; chưa có cảng biển đáp ứng yêu cầu đón tàu du lịch; hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ và chất lượng thấp, chưa kết nối thành mạng lưới. Chất lượng nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa đủ khả năng vươn ra thị trường quốc tế để khai thác khách. Một số thị trường còn có hiện tượng người nước ngoài thao túng, trực tiếp điều hành, còn các doanh nghiệp trong nước thì cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và hình ảnh điểm đến Việt Nam.
Đặc biệt là sau năm 2015, các nước ASEAN đồng loạt loại bỏ hàng rào phi thuế quan và thuế suất trong ASEAN chỉ còn từ 0 đến 5%. Bên cạnh đó là những trở ngại từ tính thiếu chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá; sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, thiếu tính liên kết; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu thị trường còn thụ động, yếu kém. 
So với các nước trong khu vực, kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến còn rất hạn chế nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu du lịch. Ngoài ra, sản phẩm du lịch nghèo nàn như lời than phiền của ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Cty Du lịch APT Travel: “Khách đến Việt Nam không biết chơi gì, tiêu gì”.
Đòn bẩy gì để cất cánh?
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận nội tại ngành Du lịch Việt Nam có rất nhiều vấn đề phải khắc phục. Để tháo gỡ khó khăn, ngày 2/7/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Điểm đáng lưu ý là chỉ thị đã chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh trong việc rà soát các khu, điểm du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 18/6/2015 về miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho công dân các nước từ Belarus và 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha từ ngày 1/7/2015. Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch hành động để khai thác hiệu quả chính sách này. 
Theo đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại 6 nước phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch, Vietnam Airlines, Dự án EU giới thiệu chính sách miễn visa và kế hoạch hành động tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Tổng cục cũng sẽ xây dựng thông tin về chính sách miễn visa và các thông tin liên quan để các khách sạn, nhà hàng, DN lữ hành, hàng không Việt Nam cung cấp qua mạng lưới các đối tác toàn cầu của họ. 
Đây là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2014 lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đến Việt Nam đạt hơn 635.000 lượt, so với gần 516.000 lượt năm 2010, trung bình giai đoạn 2010-2014 tăng 5,35%/năm… 
Với những chính sách mới, liệu năm 2015 ngành Du lịch có “cán đích” với 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 270 ngàn tỷ đồng như dự kiến đề ra và là đòn bẩy để du lịch bứt phá? Câu hỏi đang bỏ ngỏ.