Hội nghị IWT Hà Nội là tiếp nối sau thành công của hai kỳ hội nghị trước đó tại London và Kasane, vậy mục tiêu chính của Hội nghị lần thứ 3 tại Hà Nội tới đây là gì, thưa bà?
- Sau thành công của hai kỳ hội nghị trước tại London và Kasane, mục tiêu chính của hội nghị lần này là chuyển các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể. Các quốc gia tham dự sẽ tự đưa ra kế hoạch hành động cụ thể của mình nhằm thực hiện 2 tuyên bố trước, trong đó tập trung bốn nhóm vấn đề chính: loại bỏ thị trường tiêu thụ động, thực vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật; củng cố khung pháp lý và các biện pháp ngăn chặn; tăng cường thực thi pháp luật; sinh kế và phát triển kinh tế bền vững.
Đáng chú ý, tại các tuyên bố trước đó, đã nêu rõ hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã đang làm tổn hại đến các hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng xấu đến quản trị nhà nước, coi thường pháp luật, đe dọa an ninh, giảm nguồn thu hiện tại và tương lai của các hoạt động kinh tế như du lịch sinh thái hoang dã và sử dụng tài nguyên bền vững. Vì thế, nhóm vấn đề cuối cùng là sinh kế bền vững và phát triển kinh tế sẽ là một trong các chủ đề ưu tiên của hội nghị lần này tại Hà Nội, trong bối cảnh các quốc gia đang tích cực thực thi Chương trình nghị sự Liên Hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Thưa bà, với vai trò “chủ nhà” của IWT, Bộ NN&PTNT và Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã có những chuẩn bị gì cho Hội nghị IWT Hà Nội?
- Hội nghị lần này dự kiến sẽ vinh dự đón tiếp lãnh đạo cấp Nhà nước, cấp Chính phủ và cấp Bộ của hơn 50 quốc gia, 10 tổ chức quốc tế. Vì vậy, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cùng với Cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ NN&PTNT nhằm phối hợp với các bộ/ngành chuẩn bị tốt nhất có thể cho Hội nghị. Hội nghị cũng có sự hỗ trợ của Bộ Môi trường, nông nghiệp và nông thôn Anh, có sự tham gia hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và bạn bè quốc tế.
Để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Hà Nội IWT, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Chương trình nghị sự cho các sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 18/11/2016. Dự thảo Tuyên bố Hà Nội, Dự thảo các nhóm hành động thực thi các tuyên bố sẽ được bàn luận; tổ chức các cuộc họp trong nước, quốc tế lấy ý kiến cho chương trình nghị sự và nội dung tuyên bố, hành động. Đến nay, cơ bản nội dung của Hội nghị đã được hoàn tất.
Là quốc gia tham gia Công ước CITES nhưng tình trạng buôn bán trái pháp luật các loại động vật, thực vật hoang dã ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân là do đâu, thưa bà?
- Đúng là thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trong đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển quốc tế các loại động vật hoang dã (ĐVHD) tạo chuyển biến tích cực trong công tác này và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam là một trong số ít quốc gia bắt giữ, tịch thu nhiều vụ vận chuyển, buôn bán trái pháp luật nhất với trên 35 tấn ngà voi, trên 350kg sừng tê giác, hàng trăm mẫu vật hổ, hàng chục nghìn mẫu vật tê tê. Chỉ riêng năm 2016, Việt Nam đã bắt giữ, tịch thu trên 3.500kg ngà voi, hàng chục kilôgam sừng tê giác. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
Thứ nhất là chính quyền ở một số địa phương, một số cấp, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này. Tại một số địa phương, hoạt động chế tác và bày bán các sản phẩm ĐVHD như ngà voi và sừng tê giác, các sản phẩm ĐVHD khác còn diễn ra công khai, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật. Thứ hai, pháp luật Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện, một số hành vi, quan hệ xã hội mới chưa được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định rõ về các tội liên quan bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm song tiếc là Bộ luật này chưa đi vào cuộc sống. Thứ ba là nhận thức của một bộ phận người dân trong bảo tồn, bảo vệ và sử dụng ĐVHD chưa cao, vẫn tin dùng các sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc trái pháp luật. Bên cạnh đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm ĐVHD tại các nước châu Á khác rất lớn làm gia tăng các hoạt động trung chuyển bất hợp pháp ĐVHD qua Việt Nam.
Ngoài ra, còn phải kể đến năng lực thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này như kỹ năng giám định loài, kiểm soát hoạt động buôn bán trên internet, hợp tác liên ngành; thiếu trang bị kỹ thuật trong giám sát hoạt động buôn bán...
Vì thế, ngày 17/9/2016, Thủ tướng có Chỉ thị 28/CT-TTg đưa ra một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật để chấn chỉnh kịp thời tình trạng hiện nay.
Cám ơn bà về cuộc trao đổi này!