Những “điểm nóng”
Theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về “Một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất” của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/10/2018, phế liệu sẽ không được phép nhập khẩu thông qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt vào Việt Nam.
Vì vậy, tuyến biên giới các tỉnh An Giang, Long An, Bình Phước thời gian gần đây được xem là điểm “nóng” về hoạt động buôn lậu phế liệu qua biên giới. Chỉ tính từ tháng 9/2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh biên giới Tây Nam đã liên tục phát hiện, thu giữ hàng trăm tấn phế liệu nhập lậu qua biên giới.
Trước khi có Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cá nhân, doanh nghiệp chuyên mua bán, vận chuyển các mặt hàng phế liệu như sắt vụn, vỏ lon bia, chai, bình ắc quy cũ, hàng điện tử, điện lạnh... làm thủ tục nhập khẩu qua biên giới các tỉnh An Giang, Long An, Bình Phước...
Nay khi việc nhập khẩu phế liệu có vướng mắc, bị cấm, để phục vụ vận chuyển phế liệu lậu, phía bên kia biên giới, hàng loạt vựa phế liệu “mọc” lên với rất nhiều chủng loại như: Phế liệu nhựa, sắt, giấy… được ép thành khối được tập kết ngay sát bờ sông biên giới.
Chờ thời cơ thuận lợi, các đối tượng sẽ tìm mọi cách vận chuyển phế liệu qua sông rồi tuồn vào kho của các doanh nghiệp kinh doanh sắt vụn ở Việt Nam. Còn tại Việt Nam, như khu vực biên giới huyện An Phú, An Giang, các hộ kinh doanh sắt vụn xuất hiện ngày càng nhiều.
Lúc 19h25 ngày 7/1/2019, lực lượng phối hợp chống buôn lậu gồm Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình, BĐBP An Giang, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, Công an huyện An Phú và xã Khánh An tổ chức tuần tra, kiểm soát đường sông. Khi đến khu vực bãi đất trống thuộc tổ 7, ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang (khu vực vành đai biên giới), tổ công tác phát hiện 1 ghe gỗ chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Khi tổ công tác tiếp cận phương tiện kiểm tra thì đối tượng điều khiển phương tiện chạy sang bờ sông phía Campuchia.Tổ công tác dừng truy đuổi phương tiện và tiến hành kiểm tra khu vực bãi đất trống trên bờ sông thì phát hiện có nhiều kiện giấy catton phế liệu được ép thành khối, qua thống kê ban đầu, số hàng có trọng lượng hơn 14 tấn, trị giá hàng hóa khoảng 56 triệu đồng.
Trước đó, Đồn BPCK Vĩnh Hội Đông, BĐBP An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển 36,5 tấn hàng phế liệu nhập lậu qua biên giới, bàn giao tang vật, phương tiện cho Công an huyện An Phú (An Giang) để điều tra, xử lý theo thẩm quyền...
Vướng mắc hay hiểu chưa đúng?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 và căn cứ quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, phế liệu nhập khẩu là hàng hoá nhóm 2 phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian thực thi, các địa phương đã có những phản ánh về khó khăn, vướng mắc khi triển khai, áp dụng 2 thông tư trên.
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Triển khai 2 thông tư trên, Bộ TN&MT đã tổ chức hai hội thảo tập huấn, hướng dẫn.Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố không cử cán bộ tham dự nên trong quá trình triển khai thực hiện đã có cách hiểu chưa đúng và đầy đủ các quy định, đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu”.
Ông Hoàng Văn Thức nói rõ thêm: “Việc giám định thực tế các lô hàng phế liệu nhập khẩu, lấy mẫu giám định phế liệu nhập khẩu không phải trách nhiệm của Sở TN&MT mà do tổ chức giám định độc lập về chất lượng phế liệu đã được Bộ TN&MT chỉ định thực hiện (tổ chức giám định độc lập). T
rong quá trình thực hiện Sở TN&MT có quyền kiểm tra đột xuất lô hàng phế liệu nhập khẩu khi phát hiện hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP”.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu được thực hiện độc lập với hoạt động kiểm hoá hàng hoá của cơ quan kiểm định hải quan. Hiện nay xảy ra tình trạng một số tổ chức giám định độc lập về chất lượng phế liệu nhập khẩu sau khi có kết quả giám định phải chờ và thống nhất kết quả với Cơ quan kiểm định hàng hoá của Tổng cục Hải quan sau đó các tổ chức này mới gửi chứng thư giám định cho Sở TN&MT để thực hiện thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu.Việc này đã làm chậm trễ quá trình ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu của các Sở TN&MT.
Bộ TN&MT yêu cầu các tổ chức giám định độc lập thực hiện nghiêm quy định của pháp luật: ngay sau khi có kết quả giám định về chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phải kịp thời ra chứng thư giám định để gửi Sở TN&MT làm thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trong việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp đến, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường nguồn lực để tiến hành hoạt động kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.
Đồng thời áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu) để làm thủ tục thông quan cho lô hàng theo quy định tại Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).