Buôn lậu qua biên giới cận tết: Như dòng nước lũ

(PLO) - Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cũng như mọi năm tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại (GLTM) ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đang có diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng liên tiếp phá nhiều vụ án. Song thực chất, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm…
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng đi tuần đêm
Ngăn sao được dòng lũ
Đêm 29/12/2014, theo chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh “đánh lậu” tại những cung đường mòn thuộc địa bàn xã Tân Thanh, Tân Mỹ (huyện Văn Lãng - Lạng Sơn), chúng tôi tận mắt thấy cảnh chuyển hàng lậu diễn ra như đi hội vào ban đêm. 
Ngay từ lúc 7 giờ tối, dòng người từng tốp một, men theo lối mòn, lách qua các lán trại của biên phòng tìm cách vượt biên trái phép. Hàng được chuyển tập kết tại một địa điểm áp sát biên giới nước ta, khi có đủ người thì bắt đầu vận chuyển vào nội địa. 
Chừng 22h đêm, đoàn người cõng hàng có đến vài trăm người xuất hiện, cầm đèn pin lấp lóe như dòng sông ánh sáng chảy giữa đêm núi rừng. Các đối tượng “chim lợn” (những người cảnh giới, đánh động cho cả đoàn khi thấy dấu hiệu của cơ quan chức năng) rất tinh vi, hung hãn, luôn thủ sẵn dao găm trong người. Họ manh động, có thể chống đối bất cứ lúc nào. 
Thiếu tá Lều Minh Tiến, Đồn phó Đồn Biên phòng Tân Thanh cùng vài chiến sĩ khác lao xuống bắt hàng. Cánh chuyển hàng lậu cậy đông gây sức ép. Họ nài nỉ xin hàng không được thì lăng mạ, chửi bới các chiến sĩ. Cũng như rất nhiều lần khác, do lực lượng mỏng, các đối tượng vây áp, hò nhau giật hàng, nên chẳng còn cách nào khác, các chiến sĩ đành phải để người dân cõng hàng đi.
Tại địa bàn rừng thuộc các thôn Đồng Cáu, Ma Mèo, Khơ Đa, 18 lán trại của các chiến sĩ biên phòng được dựng lên trải đều tại các điểm chốt chặn ở các lối mòn, nhiều chiến sĩ được điều động tăng cường. Nhưng chỗ nào có mặt chiến sĩ biên phòng thì người dân tránh, mở đi lối khác. 
“Tôi phải khẳng định là không thể ngăn nổi. Nếu có thì cứ cách một mét phải có một người canh giữ. Mà đường biên dài, dàn hàng làm sao xuể. Có đêm chúng tôi phát hiện “chim lợn” ngồi áp ngay phía sau lán chỉ huy theo dõi kế hoạch của anh em chúng tôi để báo cho đồng bọn mà đề phòng. Thật tinh vi hết mức!” - Đại úy Lê Văn Chiến, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết.
Ở một cánh khác là Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) được coi là “nóng” về tình trạng buôn lậu, cữ này đã chững lại, nhưng vẫn có những diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình trạng vận chuyển buôn bán hàng cấm, gia cầm, sản phẩm gia cầm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển tiêu thụ than... với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhỏ lẻ vẫn xảy ra. 
Ðể qua mặt cơ quan chức năng, đối tượng buôn lậu giả làm hành khách, khách du lịch mang theo hàng lậu trong hành lý, xách tay qua trạm kiểm soát hoặc được cất giấu kỹ ở vách ngăn, khoang hàng tự tạo trên xe ô tô rất khó phát hiện. 
Điển hình là vào 20 giờ ngày 08/12/2014, Đội QLTT số 1 đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô BKS 14B-00723 do ông Nguyễn Văn Bình ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng điều khiển vận chuyển trái phép 29 mặt hàng hóa nhập lậu gồm quần áo, giày dép, thực phẩm, mỹ phẩm trị giá ước tính gần 90 triệu đồng.
Con số nói lên điều gì?
Tại TP.Móng Cái, tính đến ngày 15/11/2014  các lực lượng phòng chống buôn lậu trên địa bàn đã bắt giữ và xử lý 636 vụ, trị giá hơn 20 tỷ đồng; khởi tố hình sự 39 vụ với 35 đối tượng; đã phát hiện và bắt giữ tội phạm ma tuý là 33 vụ/48 đối tượng, tang vật vi phạm gồm: 17.652 viên thuốc lắc và 45.958,32 gam ma tuý các loại. 
Riêng lực lượng Hải quan Quảng Ninh trong 11 tháng năm 2014, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 297 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá 27 tỷ đồng. Trong đó, chủ trì bắt giữ 10 vụ với 13 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ tang vật là 15,7kg ma túy tổng hợp, 0,69 gram heroin, 250ml ma túy tổng hợp dạng nước, trị giá tương đương 12 tỷ đồng; phối hợp bắt giữ 10 vụ ma túy, bắt 16 đối tượng, thu giữ tang vật là 14,3 gram ma túy tổng hợp và 60 bánh heroin. 
Còn theo số liệu của Cục Hải quan Lạng Sơn cung cấp, từ ngày 16/11 đến 16/12/2014, đã bắt giữ xử lý 122 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Nhìn vào những con số này có thể thấy, việc phát hiện và xử lý năm sau có tăng hơn năm trước, chứng tỏ các lực lượng chức năng địa phương đã rất cố gắng. Nhưng có một câu hỏi khác đặt ra, là dù đã xử lý, các cơ Chi cục hải quan Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam (Lạng Sơn) đều khẳng định đã có nhiều tiến triển. 
Ngay cả ông Nông Văn Vịnh, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cũng cho biết: “Với sự cố gắng trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các đơn vị, tình hình buôn bán vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, GLTM vẫn được kiểm soát tốt”. 
Nhưng vì sao nhiều lô hàng cứ kìn kìn được đưa về xuôi? Vì sao biết bao cơ quan kiểm soát, vòng trong vòng ngoài mà hàng lậu vẫn lọt lưới? Nếu không phải vì yếu kém, quản lý còn chưa đến nơi đến chốn, và vì tiếp tay cho buôn lậu, hay vì còn nguyên nhân nào khác nữa? 
Đâu là giải pháp
Một loạt giải pháp đưa ra là từ quy định của luật pháp về xuất nhập cảnh, nhập khẩu phải được chỉnh sửa. Trước hết, đó là Thông tư 60/2011 cũng thiếu chặt chẽ. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ. Nhiều người vận chuyển hàng không xuất trình được hóa đơn, thì có 72 giờ để xuất trình, đủ thời gian cho các đối tượng “hợp thức hóa” các hóa đơn, chứng từ. 
Thêm nữa, quy định về nhập khẩu hàng hóa theo hình thức chuyển cảnh tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP, cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan trong nội địa. Đây cũng là kẽ quá “hở”, để các đối tượng lách được. 
Tiếp theo là vấn đề con người. Từ người dân, phải được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức tự bảo vệ cộng đồng mình, nói không với hàng giả, hàng nhái. Tiếp đó là trách nhiệm của những người trực tiếp trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Những kiểu tiếp tay, ăn chia, cho qua để trục lợi cũng đã được phát hiện, xử lý những người liên quan. Nhưng đúng là, người chống buôn lậu mà tiếp tay thì thật chẳng còn gì để nói.
Liên quan đến vụ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46-Bộ Công an) bắt giữ vụ buôn lậu ngày 2/11/2014 với số lượng và giá trị hàng hóa lên đến hàng chục tỷ đồng tại TP.Móng Cái, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Ðọc chỉ đạo làm rõ những nguyên nhân, trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương liên quan trong công tác quản lý và chỉ đạo công tác chống buôn lậu ở khu vực biên giới; yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Móng Cái cần khẩn trương rà soát các văn bản, cơ chế phối hợp quản lý biên giới liên quan đến phòng, chống tội phạm buôn lậu và các vấn đề khác liên quan; coi đây là bài học lớn, sâu sắc trong công tác quản lý. Nhiều cán bộ đã phải điều chuyển, hoặc kiểm điểm. Đây chắc chắn là những biện pháp đang dần tạo nên được sức mạnh. Bởi phòng chống buôn lậu và GLTM, để được hiệu quả, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sự bắt tay liên kết của các cơ quan chức năng thì cần dám làm và dám xử lý. Có như vậy mới đủ sức răn đe! 

Đọc thêm