Bứt phá với 12 chữ của Chính phủ

(PLO) - Ngay ngày đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (NQ 01) và Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (NQ 02).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về KTXH mà là quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng phát triển của Chính phủ đặt ra trong chỉ đạo điều hành. Nếu phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là “Kỷ cương- Liêm chính- Hành động- Sáng tạo- Hiệu quả” thì năm 2019, ngoài tinh thần trên, Chính phủ còn nhấn mạnh đến sự bứt phá cả trong tư duy và hành động.

Theo đó, phương châm của Chính phủ trong năm 2019 là 12 chữ: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả - Bứt phá”, với kỳ vọng đây sẽ là năm “bứt phá” để tăng tốc phát triển, chuẩn bị “về đích”.

Vâng, với một Chính phủ “kiến tạo”, rất cần kỷ cương, liêm chính, hành động và sáng sạo. Thước đo phải là KTXH của đất nước hiệu quả và sáng tạo. Lý thuyết luôn màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi. Một chuyển động bứt phá còn giá trị hơn “hàng tá” nghị quyết, chỉ thị, chương trình nếu “mớ văn bản” đó thoát ly cuộc sống.

Vậy “chìa khóa” để chúng ta hy vọng ở đâu? Giống như năm 2017, “Thiên triều” vui mừng khi “Táo quân” báo cáo trái Vú sữa đã sang thị trường Mỹ, năm nay/ngay tối 2/1, chương trình thời sự VTV đưa tin trái Chanh leo Việt Nam đã sang thị trường Pháp. 

Trong phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định vị trí và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải “đặc biệt quan tâm” xây dựng chương trình hành động, “tạo mọi điều kiện thuận lợi” về đất đai, vốn, môi trường đầu tư kinh doanh và bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thủ tướng, một lần nữa khẳng định vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã từng giúp kinh tế đất nước hồi sinh và nảy nở sau Đổi mới cách đây 30 năm, khi nền kinh tế chuyển sang đa thành phần sở hữu.

Nếu như khu vực kinh tế Nhà nước vẫn “ì ạch”, lỗ lãi - đã được chuyển về “siêu ủy ban”, thì khu vực tư nhân tiếp tục khẳng định, bứt phá. Có vô vàn thực tiễn sinh động về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân mà 4 người Việt Nam đầu tiên được xếp hạng tỷ phú đô la trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên danh sách này là ví dụ. Nhìn những sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh, cầu vượt vòng xuyến ở Quảng Nam, hay nhà máy Vinfast ở Hải Phòng do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng trong thời gian rất ngắn mới thấy luồng vốn được sử dụng hiệu quả như thế nào.    

“Động lực” đã vượt mặt “chủ đạo”. “Hiệu quả” và “bứt phá” là thước đo của “kiến tạo”. Hy vọng vùng “động lực” tiếp tục khẳng định mình góp phần tạo nên “thương hiệu Việt Nam”, thời kỳ mới. 

Đọc thêm