BV Bạch Mai là "nạn nhân" trong vụ 'thổi giá' thiết bị y tế từ 7,6 thành 40 tỷ?

(PLVN) - Liên quan đến vụ  'thổi giá' thiết bị y tế từ 7,6 thành 40 tỷ, Bệnh Viện Bạch Mai cho rằng Đơn vị cũng chỉ là nạn nhân trong vụ án này. Bởi, các đối tượng thổi giá thiết bị để chiếm đoạt tài sản của bệnh viện. Nếu bệnh viện có sai phạm  thì cơ quan chức năng đã khởi tố rồi.
BV Bạch Mai là "nạn nhân" trong vụ 'thổi giá' thiết bị y tế từ 7,6 thành 40 tỷ?

Báo Đất Việt đưa tin, sáng ngày 2/9/2020, ông Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xác nhận, đơn vị đã nắm được thông tin Bộ Công an khởi tố, bắt giam 3 đối tượng tại Công ty CP Công nghệ Y tế BMS - đơn vị cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai. Ông Hùng cũng khẳng định: Đơn vị cũng chỉ là nạn nhân trong vụ án này. Bởi, các đối tượng thổi giá thiết bị để chiếm đoạt tài sản của bệnh viện.

Theo ông Hùng, giá thành phía Công ty CP Công nghệ Y tế BMS đưa ra có đầy đủ giấy tờ, thẩm định từ một bên thứ 3 chuyên về thẩm định giá.

Thoi gia thiet bi Benh vien Bach Mai: Ai la nan nhan?
Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai bị thổi giá cao gấp gần 4 lần so với giá trị thực (Ảnh Bệnh viện Bạch Mai).

Trong vấn đề này, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị tiếp nhận các thiết bị y tế. Dựa trên giấy tờ, hồ sơ về thiết bị và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, đảm bảo chất lượng thì sẽ được lựa chọn.

Chứ phía bệnh viện không thể biết được hồ sơ, giấy tờ đó có giả mạo hay không, đó không phải là chuyên môn của bệnh viện".

Cũng theo Đất Việt, ông Hùng còn chia sẻ thêm với tư cách cá nhân: Có nhiều thiết bị y tế mặc dù bản thân lãnh đạo bệnh viện biết rõ giá trị sản xuất thấp hơn rất nhiều so với giá mà bên cung ứng kê khai bán cho bệnh viện nhưng do họ có đầy đủ giấy tờ từ các bên liên quan nên phía bệnh viện cũng không có cách nào để nói họ sai hoặc loại doanh nghiệp đó ra khỏi cuộc đấu thầu được.

Liên quan đến vụ án thổi giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 31.8, C03 - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng: Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty CP Công nghệ Y tế BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS). Cả ba đều bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can này được xác định đã cấu kết với nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Theo nguồn tin Thanh Niên, trong giai đoạn 2016 - 2017, BMS đã đưa hàng loạt máy móc, thiết bị y tế vào Bệnh viện Bạch Mai theo dạng liên doanh liên kết thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, hàng loạt thiết bị đã bị doanh nghiệp này, với sự hỗ trợ của nhiều phía, thổi cao gấp nhiều lần so với thực tế nhằm mục đích trục lợi.

Theo nhiều tài liệu Thanh Niên thu thập được, cho thấy một trong những thiết bị được BMS thổi giá là robot hỗ trợ Rosa trong phẫu thuật sọ não, có xuất xứ Pháp.

Từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não. Các bên thống nhất, robot Rosa có tổng giá trị 39 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Hai bên thống nhất ăn chia 50 - 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm…

Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỉ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỉ đồng.

Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bạch Mai đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị móc túi với số tiền không nhỏ.

Cũng theo nguồn tin của Thanh Niên, đây chỉ là một trong rất nhiều thiết bị của Công ty BMS đặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Doanh nghiệp này đã và đang có nhiều thiết bị khác liên doanh liên kết với nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP.Hà Nội.

Được biết, trước khi ký hợp đồng liên doanh, liên kết, Bệnh viện Bạch Mai đã thuê Công ty VFS thẩm định giá máy robot Rosa. Việc một chiếc máy giá thành chỉ 7,6 tỉ đồng nhưng biến thành gần 40 tỉ đồng còn có bàn tay giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan.